4/4/2024 2:25:00 PM
.

Nâng cao công tác bảo hộ, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP


Nâng cao nhận thức và năng lực của các chủ thể OCOP về sở hữu trí tuệ và “luồng xanh” của Cục Sở hữu trí tuệ chính là những giải pháp quan trọng để những sản vật mang giá trị văn hóa có thể “đi xa hơn”.

Những khó khăn trong công tác triển khai

Trong Hội nghị Quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ năm 2024 diễn ra từ ngày 29 - 30/3/2024 tại Hà Nội, TS. Đào Đức Huấn nhận định: “Dường như các chủ thể, các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã không quan tâm gì đến câu chuyện Sở hữu trí tuệ, họ không quan tâm, không hiểu về bảo hộ thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý. Điều này dẫn đến những khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thay đổi tư duy chủ thể”.

Bên cạnh đó, cán bộ tham gia hội đồng đánh giá, phân hạng chưa đáp ứng được hết các yêu cầu thực tiễn, cấp chứng nhận 4 sao cho các sản phẩm OCOP một cách dễ dàng. “Nếu “dễ dãi” trong chứng nhận các sản phẩm OCOP sẽ dẫn đến việc các chủ thể OCOP không muốn đầu tư cho bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nên thà rằng chúng ta “khó” ngay từ đầu, từ khâu cấp chứng nhận OCOP để có thể thay đổi tư duy năng lực của các chủ thể thay vì vội vàng cấp chứng nhận cho các sản phẩm”, Ông Huấn nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, TS. Đào Đức Huấn chỉ ra rằng thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP. Việc phối hợp giữa các ngành vẫn còn nhiều vấn đề trong việc hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho chủ thể OCOP ở địa phương, phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ. 

Đại diện của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng đề nghị Cục sở hữu trí tuệ đẩy nhanh công tác thẩm định và có những giải pháp mới cho việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP và công tác thẩm định

Lối đi cho sản phẩm OCOP và “luồng xanh” của Cục sở hữu trí tuệ

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, từ 27 địa phương gửi công văn đến Cục có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó 62% sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký.

Các sản phẩm đã được công nhận 4 sao nhưng chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là các sản phẩm được công nhận từ trước năm 2023 khi Quyết định số 148/QĐ- TTg ngày 23/3/2023 về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là một trong những bắt buộc đối với sản phẩm đăng ký đề nghị xét công nhận 4 sao trở lên phải có nhãn hiệu đăng ký chưa được ban hành.

Vậy nên, để phát triển chương trình OCOP theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị thì việc đăng ký nhãn hiệu đối với những sản phẩm được công nhận 4 sao là điều bắt buộc.

TS. Đào Đức Huấn, đại điện của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương cũng cho biết: Chương trình OCOP đã cho thấy được sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều địa phương đã có những chính sách riêng để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của sản phẩm địa phương.

Với tình hình phát triển hiện tại của chương trình OCOP và những vấn đề còn tồn tại trong công tác phát triển OCOP, ông Lên Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ cũng khẳng định, Cục sở hữu trí tuệ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý các đơn đề nghị bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới Cục cũng sẽ tạo “luồng xanh” cho các đơn về sản phẩm OCOP và những nhu cầu gấp khác của địa phương.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)


.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn