3/27/2024 10:19:00 AM
.

Nhạc sĩ AI sẽ không được nhận tiền bản quyền


Sáu năm qua, nhạc sĩ trí tuệ nhân tạo (AI) Lee Bom bán 30.000 bài hát, thu về 600 triệu won. Tuy nhiên, AI không thể được công nhận là tác giả, Hàn Quốc công bố ngừng chi trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ AI.

Ngày 26-3, diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024 với chủ đề "Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác" diễn ra tại TP.HCM.

Đây là một trong những hoạt động thường niên, triển khai bản ghi nhớ hợp tác được ký kết năm 2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.

Các ý kiến tham luận xoay quanh sự phát triển của bản quyền trên môi trường số, chính sách và xu hướng; phương án hợp tác song phương để phát triển bản quyền và ngành công nghiệp văn hóa.

AI gây xung đột bản quyền

Hiện nay việc sử dụng dịch vụ AI tạo sinh đang lan rộng và được ứng dụng vào lĩnh vực sáng tạo nội dung ngày càng cao.

Điều này khiến nhiều người e ngại xảy ra xung đột bản quyền dựa trên tiền đề sáng tạo của con người.

Bà Lee Ha Young - phó trưởng Phòng hợp tác thương mại văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc - chỉ ra những tranh cãi liên quan đến công nhận bản quyền đối với tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra.

Bà khẳng định sản phẩm do AI tạo ra không được công nhận bản quyền.

Trừ khi trường hợp tính sáng tạo của con người được thêm vào thông qua sửa chữa, sắp xếp... thì có thể công nhận một phần tính sáng tạo của con người.

Còn theo luật hiện hành, tác phẩm được định nghĩa phải thể hiện tư tưởng và cảm xúc của con người.

Nên tác phẩm do AI tạo ra không thể được xem là tác phẩm.

Nhạc sĩ AI Lee Bom được Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju phát triển. Nhạc sĩ này sáng tác dựa trên phương thức tiếp nhận lý thuyết âm nhạc và tạo ra giai điệu trong vài giây.

Trong sáu năm qua, nhạc sĩ Lee Bom sáng tác 300.000 bài hát và bán được 30.000 bài, đạt doanh thu 600 triệu won.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc - nơi trả tiền bản quyền cho sáu bài hát của nhạc sĩ AI Lee Bom - tuyên bố sẽ ngừng chi trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ AI.

Ca khúc Việt được bảo vệ bản quyền trên 160 nước

Liên quan đến vấn đề bản quyền ở Việt Nam và của Việt Nam, ông Đinh Trung Cẩn - giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam - cho biết trung tâm đã ký hợp tác song phương gần 85 tổ chức, phủ sóng hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, các ca khúc nước ngoài (của các nơi đã hợp tác và ký kết) mà vang trên lãnh thổ Việt Nam thì Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam chịu trách nhiệm thu phí bản quyền và chuyển về cho các nước và ngược lại.

Ông Cẩn ví dụ thời gian qua các ca sĩ, nhóm nhạc ở Hàn Quốc thường xuyên đến Việt Nam biểu diễn, trong đó có nhóm BlackPink, được Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam thu bản quyền âm nhạc.

"Về bản quyền âm nhạc trên môi trường số, trung tâm không thể đứng ngoài làn sóng AI.

Nếu không có công nghệ chúng ta sẽ đứng yên, không làm được bất cứ vấn đề gì" - ông Đinh Trung Cẩn nói.

Tham dự diễn đàn, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết hiện nay có nhiều website nghe nhạc như nhachayvn.net, lyricvn.com... xâm phạm bản quyền nhưng không thể tìm ra đơn vị sở hữu để báo cáo vi phạm.

Các website này cố tình giấu thông tin khiến mọi người không tìm ra, được gọi nôm na những "website bất tử". Điều này đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý lẫn đơn vị bị xâm phạm trong việc tìm ra người chịu trách nhiệm.

Nhanhieuviet (Theo Báo Tuổi trẻ - link gốc)


.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn