12/5/2016 9:25:00 AM
.

“Trắng” thương hiệu đặc sản vùng miền


Nông sản và đặc sản vùng miền của Việt Nam rất phong phú và giàu tiềm năng. Điều đáng tiếc là chúng ta toàn bán những cái gì gắn với từ "thô", nhiều mặt hàng phải xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế hay nói cách khác là "trắng" thương hiệu.

Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hoá: từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh để chỉ: một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hoá được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hoá là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương vẫn còn rất “sơ khai”.

Ít biết về đặc sản Việt

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới rất giàu tiềm năng về nông sản, là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu… và dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây công nghiệp, thuỷ sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, nước mắm Phú Quốc,…


Tuy vậy, còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, dẫn kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy có tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài

Đồng quan điểm, PGs.Ts. Lê Thị Thu Hà (Trường đại học Ngoại Thương), cho biết hiện nay, hơn 80% nông sản của chúng ta chưa có thương hiệu, 9/11 tổng công ty thuộc Bộ NN&PTNT đăng ký thương hiệu cho 107 mặt hàng. Tuy nhiên, chỉ có ba thương hiệu được công nhận và bảo hộ ở nước ngoài. Chỉ 15/58 hội viên hiệp hội trái cây Việt Nam đã đăng kí bảo hộ thương hiệu trong nước. Trong 900 sản phẩm gắn 700 địa danh mới chỉ có 48 chỉ dẫn địa lý…

Riêng với mặt hàng cà phê, vốn là nông sản nổi tiếng ở Việt Nam, theo thống kê, 95% cà phê xuất khẩu của Việt Nam là dưới dạng nguyên liệu, chiếm gần 40% thị phần thế giới, song giá trị chỉ chiếm 2%.

Hiện Việt Nam chỉ có ba thương hiệu lớn cà phê hoà tan và 20 thương hiệu cà phê rang xuất ra thế giới. Trong khi đó, Brasil có 20 thương hiệu cà phê hoà tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay.

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council Wordwide tại Việt Nam, đánh giá, chính vì các đặc sản vùng miền của Việt Nam chưa được xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý nên hàng Việt Nam không chỉ kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới mà còn thua kém ngay cả trên sân nhà.

 

Hiện nay, hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương vẫn còn rất “sơ khai”.

Ông Nhất dẫn chứng như trong khi Trung Đông bán vài USD/kg thanh long thì thanh long của Việt Nam chỉ bán được vài nghìn/kg, bày bán tràn lan trên khắp các vỉa hè Hà Nội. Hiệp hội Thanh long của Bình Thuận chỉ có vài chục doanh nghiệp tham gia, dẫn tới thương hiệu thanh long Bình Thuận rất ít người biết tới. Hay thương hiệu vang Đà Lạt giờ chỉ có hai doanh nghiệp làm và chỉ dừng lại ở một mức độ hạn chế.

“Như vậy thử hỏi làm sao sản phẩm Việt có đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Đồng thời, trước khi nghĩ tới chuyện xúc tiến ra thế giới, cũng cần trả lời câu hỏi xúc tiến trong nước đã, làm sao để người Việt yêu thích các sản phẩm của Việt Nam hơn hàng hoá của thế giới mới là vấn đề, chứ hiện giờ, người Việt còn chuộng gạo Campuchia, Thái Lan hơn gạo Việt, chuộng mít Thái hơn mít Việt…”, ông Nhất nói.

Yếu sức cạnh tranh

Bà Thu Hà nhận định rằng việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh trên thị trường, chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất.

“Chương trình Thương hiệu quốc gia vừa chính thức công bố hôm 30/11, rất tiếc khi không tìm được thương hiệu nào gắn với chỉ dẫn địa lý. Hầu hết DN nhựa, xi măng, dịch vụ đạt thương hiệu quốc gia đều không gắn với sản phẩm vùng miền. Trong hệ thống nhận diện quốc gia, ngoài yếu tố cảm tính, công nghệ thì bộ phận quan trọng là những sản phẩm nguyên bản vùng miền cũng cần được đưa vào chương trình thương hiệu quốc gia”, bà Hà khuyến cáo.

Trên thực tế, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thương hiệu uy tín. Nghiên cứu tại Liên minh châu Âu cho thấy, 43% người tiêu dùng Liên minh Châu Âu (khoảng 159 triệu người) sẵn sàng trả thêm 10% cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 8% (khoảng 29,6 triệu người) thậm chí sẵn sàng trả thêm 20%. 3% (khoảng 11 triệu người) trả tới 30% cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất cho rằng đến thời điểm này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để phát triển thị trường, sau khi có thương hiệu cần xây dựng và phát triển để tăng giá trị thương hiệu. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần phối hợp nhất quán, đặc biệt trong quá trình truyền thông để người tiêu dùng Việt Nam biết tới sản phẩm.

“Chúng ta cần phải tận dụng thị trường trong nước trước tiên. Sau đó, mới tính tới chuyện đem thương hiệu đó xuất khẩu ra nước ngoài, tránh tình trạng như thời gian qua, Nha Trang chưa kịp đăng ký thương hiệu chỉ dẫn địa lý thì nước mắm Nha Trang đi vào dĩ vãng, còn Phú Quốc mới đăng kí được thì chỉ còn vài DN sống sót”, ông Nhất nhận xét.

Nhanhieuviet (Theo thoibaokinhdoanh.vn)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn