5/7/2024 9:45:00 AM
.

Ngành rau quả nhiều dư địa xuất khẩu tại 5 thị trường lớn nhất


Rau quả là mặt hàng có nhiều tiềm năng để xuất khẩu, bởi nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới luôn ở mức cao. Dù là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng thị phần của rau quả Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ ở 5 thị trường lớn nhất thế giới.

Tiếp tục đà tăng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, tháng 4/2024 xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 520 triệu USD, tăng 10,7% so với tháng 3/2024 và tăng 33,9% so với tháng 4/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang khu vực châu Á chiếm 82,4% tổng trị giá xuất khẩu. Trong đó, hàng rau quả chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 71,8% tổng trị giá xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt mức cao, góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng tốt trong quý 1/2024, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, quý 1/2024 hàng rau quả cũng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, tuy nhiên trị giá xuất khẩu sang các khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để ngành hàng rau quả tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Đáng chú ý, với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình 153 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2019 – 2023 , châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trên thế giới (theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,22% tổng trị giá nhập khẩu của châu Âu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, EU là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với hàng rau quả, tuy nhiên nhập khẩu từ Việt Nam vẫn quá thấp, do đó cơ hội để gia tăng thị phần tại EU là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường này cũng đòi hỏi chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. “Người tiêu dùng EU chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó nếu doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường EU thì sẽ dễ dàng xuất khẩu được sang nhiều thị trường khác”, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Nâng chất lượng để tăng thị phần

Do đó, trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp đầu tư thêm về công nghệ, kỹ thuật bảo quản tốt hơn, có sản phẩm chất lượng tốt hơn thì có nhiều cơ hội tăng thị phần tại thị trường EU. “Khi muốn xuất khẩu vào thị trường này, các sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn châu Âu và chứng chỉ quốc tế như rau quả phải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP”, Cục Xuất nhập khẩu thông tin.

Thị trường nhập khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hòa Kỳ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 52,4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ đạt 10,6 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,66% tổng trị giá nhập khẩu. Với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 2 thế giới, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.

Tương tự, mặc dù Trung Quốc là thị trường trọng điểm xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nhưng cơ hội để ngành tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc còn rộng mở. Thị phần hàng rau quả của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 5,85% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,4%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại Trung Quốc rất lớn, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, do đó cơ hội để ngành hàng rau quả tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc còn rộng mở. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam cần đảm bảo và nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Tại thị trường Anh, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả cũng có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Anh đạt 17,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022. Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng để các nhà xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam có thể khai thác.

Canada là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 5 trên thế giới. Nhập khẩu hàng rau quả của nước này năm 2023 đạt 12,5 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2022. Tuy nhiên, rau quả từ Việt Nam chỉ chiếm 0,63% tổng trị giá nhập khẩu. Theo Cục Xuất nhập khẩu, so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường thì tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam quá thấp. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa tại thị trường Canada để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam khai thác.

Nhanhieuviet (Theo Haiquanonline – Link gốc)

.
.
.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn