2/21/2024 9:13:00 AM
.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cơ hội để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài


Hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) đang là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Từ đó sẽ giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến.

Theo nhiều nhận định trong nước và quốc tế, Việt Nam đang cho thấy nhiều điểm sáng về trình độ nhận thức và mức độ phát triển hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao gồm cam kết tăng cường hệ thống sở hữu trí tuệ theo các hiệp định quốc tế, xây dựng dự thảo và điều chỉnh một số quy định, thông tư liên quan đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích phát triển các kĩ năng sáng tạo, thương mại hóa các hoạt động nghiên cứu và phát triển bản địa. Kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ phát triển hơn nữa nếu tập trung vào các lĩnh vực lợi thế, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm và áp dụng các chiến lược phù hợp để định hình vị thế của sản phẩm trong nước so với khu vực. Bên cạnh đó, hoạt động phòng, chống hàng giả và vi phạm bản quyền đã và đang là vấn đề ưu tiên trong chính sách công của Việt Nam.

Bối cảnh trong nước và quốc tế đã và đang đặt ra cho Việt Nam những cơ hội và thách thức mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng, góp phần tăng cường công nghệ trong sản xuất sản phẩm của các ngành nghề trong nước; thúc đẩy đầu tư nước ngoài; hạn chế và dần dần loại bỏ tình trạng xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của các chủ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu; loại bỏ việc bóp méo cạnh tranh và thương mại công bằng trong giao dịch thương mại quốc tế; khẳng định tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các hoạt động thương mại và đầu tư được thực tiễn thương mại quốc tế thừa nhận khi quyền sở hữu trí tuệ không được bảo hộ và thực thi thỏa đáng và hiệu quả; ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đề ra các biện pháp an toàn đối với việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ...

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Từ đó, giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất nhưng vẫn bảo đảm độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ – link gốc)

 

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn