Ước mơ nâng tầm thương hiệu cà phê Tây Nguyên luôn sôi sục trong người con của vùng đất đại ngàn, từ đó, sản phẩm “Ê Đê Café” có mặt khắp trong và ngoài nước.
Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số để đưa sản phẩm xuất ngoại
Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình với phóng viên Báo Công Thương, anh Y Pốt Niê - Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café (tại buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) – cho biết, có lẽ chữ “duyên" và sự may mắn khi tôi được sinh ra và lớn lên ở cùng đất có cây cà phê. Cây cà phê gắn liền với hơi thở, với cuộc sống của tôi. Uống cà phê mỗi ngày, cà phê đã đem lại cho tôi một năng lượng tươi mới. Cà phê giống như đứa con tinh thần vậy.
Đấy cũng là lý do dù dùi mài trên ghế đại học 6 năm tại Trường đại học Y, ra trường và làm bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện 175, nhưng tôi vẫn quyết định chuyển hướng, quay về buôn Kla để quyết định khởi nghiệp với hạt cà phê để thực hiện ước mơ mà tôi đã đeo đuổi từ nhỏ đó là nâng cao giá trị hạt cà phê mà bà con trong vùng làm ra.
Mọi thứ bắt đầu từ con số 0, từ những gì thô sơ nhất. Khi bắt tay vào làm kinh doanh, mục tiêu thị trường mà chúng tôi hướng đến là xuất khẩu, dù giá bán không được cao nhưng nếu bán với đơn hàng lớn thì sẽ đem lại lợi nhuận không nhỏ.
Do đó, ngay từ ban đầu, chúng tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định. Hiện vùng nguyên liệu chính của chúng tôi ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu hơn 100 ha tại đây, ngoài ra, doanh nghiệp còn phối hợp với các xã khác trong huyện, với độ phủ khoảng 1.000 ha cây cà phê.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, Y Pốt Niê vận động bà con trong buôn chuyển đổi hình thức canh tác sản xuất cà phê sạch. Nhiều người dân trong buôn đã đồng ý liên kết với Y Pốt Niê để chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ.
Với bà con đồng bào dân tộc, trước đây, họ làm theo cách truyền thống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Việc thay đổi thói quen canh tác làm theo hướng hữu cơ cũng không dễ, tuy nhiên, sau 5 năm đồng hành, đến nay cà phê của bà con vừa chất lượng và sai trái rất nhiều.
“Khó khăn chỉ ở giai đoạn đầu, đến nay, bà con thay đổi rất nhiều, sản phẩm sạch giúp giá bán lại cao. Giá cà phê được doanh nghiệp thu mua cho bà con thường cao hơn từ 10% - 50% so với cà phê thông thường”, Y Pốt Niê.
Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, cách chào hàng, quảng bá sản phẩm của Y Pốt Niê cũng khác biệt. Anh kể, cùng với việc đi các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống thì anh lên kế hoạch 1 tuần sẽ có 2 buổi livestreams bán hàng trên facebook hay TikTok bằng cả tiếng Anh và Tiếng Việt và bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Để thu hút người xem, trước khi giới thiệu sản phẩm, chúng tôi kể những câu chuyện văn hóa Tây Nguyên, hát những câu hát của Tây Nguyên, chính việc này đã dẫn dắt và lôi cuốn rất nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có chính sách chiết khấu hay tặng quà cho khách hàng xem livestreams.
Đây là cách để sản phẩm lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước. Nhiều đối tác nước ngoài còn về tận công ty, vùng nguyên liệu để xem và mua hàng.
“Hiện facebook của tôi có khoảng 5.000 người theo dõi. Trên mỗi nền tảng, tôi đều livestreams bán hàng 2 lần/tuần. Mỗi lần livestreams có ít nhất 1.000 người theo dõi. Mỗi lần livestreams chúng tôi đều có đơn về, thấp nhất 1 ngày cũng bán 2-3 tạ/ngày”, anh Y Pốt Niê kể.
“Khi bắt tay vào làm, có nhiều người hỏi tôi về câu chuyện thị trường có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, bạn có bị “đá văng” ra khỏi thị trường hay không?”, Y Pốt Niê nói. Rõ ràng, trái ngọt không tự nhiên mà đến, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, với mục tiêu hàng đầu đó là chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, giá cả hợp lý,… là những yếu tố để khách hàng dùng thử, quay trở lại và ưu tiên lựa chọn sản phẩm.
Khởi nghiệp từ 0 đồng và ước mơ giữ gìn bản sắc văn hóa Ê Đê
Trong câu chuyện với chúng tôi, sự lạc quan luôn hiện rõ trên khuôn mặt, trong nụ cười của chàng trai Ê Đê này. Y Pốt Niê kể, nhiều người cũng hỏi tôi về những khó khăn trong chặng đường 5 năm khởi nghiệp vừa qua. Tôi thường không nói đến, bởi trong kinh doanh chắc chắn sẽ có khó khăn, nhưng chúng ta nhắc đến hay nghĩ quá nhiều đến nó sẽ khiến chúng ta đôi khi trùng xuống, nếu nghĩ đến sự tích cực, khi đó, mọi khó khăn sẽ vượt qua.
Bắt đầu từ con số 0, đến nay, Y Pốt Niê đã xây dựng nhà xưởng gần 800m2. Từ hai, ba sản phẩm, đến nay “Ê Đê Café” đã có tám dòng sản phẩm với hai dạng là cà phê bột và cà phê hòa tan. Cà phê bột có cà phê Robusta, cà phê Arabica, cà phê Mix 2, cà phê Mix 3,…
Cà phê hòa tan có cà phê hòa tan 3 trong 1, cà phê hòa tan sầu riêng và cà phê hòa tan khoai môn. Với sự phát triển, đến năm 2022, sản phẩm cà phê Robusta của “Ê Đê Café” đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Ngoài thành công trong xây dựng thương hiệu riêng của mình thì “Ê Đê Café” còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện tại “Ê Đê Café” của Y Pốt Niê có khoảng 30 nhân viên chính thức với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng và hơn 100 nhân viên bán thời gian.
Cùng với xuất khẩu, đến nay “Ê Đê Café” đã đến được 56/63 tỉnh, thành trong cả nước. Nói về định hướng tương lai sắp tới, cùng với phát triển chuỗi để tạo “trend” văn hóa cà phê Tây Nguyên tại Hà Nội, Y Pốt Niê đặt mục tiêu tiếp tục phát triển thương hiệu “Ê Đê Café” trong sự hòa quện, gắn kết văn hóa Việt Nam và văn hóa Ê Đê, cộng hưởng cả truyền thống và hiện đại để những câu chuyện sản phẩm cà phê đậm chất Tây Nguyên được lan tỏa.
“Trong mỗi sản phẩm “Ê Đê Café” đều được thiết kế những "họa tiết" riêng nhằm lưu giữ những nét truyền thống của đồng bào Ê Đê. Để văn hóa Ê Đê không chỉ chảy trong dòng máu của mỗi người dân Tây Nguyên mà có thể lan tỏa rộng khắp từ đó, phát triển hơn cho cộng đồng Ê Đê và chính của mình”, Y Pốt Niê.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)