6/14/2024 8:21:00 AM
.

Nâng cao quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử


Tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổ chức Hội thảo "Một số cập nhật về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử".

 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 ban hành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều đổi mới, bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Tại thời điểm này, Luật đã đưa ra nhiều quy định nhằm xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, như trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng…. Đồng thời, bước đầu đã điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh có yếu tố điện tử như quy định về trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch trong trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử, trách nhiệm tạo điều kiện để người tiêu dùng xem xét toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết trong trường hợp giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử.

Giai đoạn 2020 – 2023, kinh tế trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ và vượt bậc của thương mại điện tử. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, doanh thu quản lý thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử năm 2022 là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế nộp là 97 nghìn tỷ đồng . Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, bao gồm cả lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, thực hiện nhiệm vụ được giao, từ năm 2021, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, địa phương, cơ quan, tổ chức và các chuyên gia đã thực hiện Dự án xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo bà Phạm Quế Anh, Chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), với sự phát triển của việc chuyển đổi số và thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, thị trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp sẽ được mở rộng vượt qua biên giới quốc gia, từ đó tăng số lượng khách hàng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội khi hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điên tử, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng đối mặt với một số thách thức. Trong đó, số lượng người tiêu dùng tăng nhưng doanh nghiệp phải cạnh tranh với đối thủ từ khắp nơi trên thế giới.

Việc thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế hoặc các quốc gia khác có thể khiến doanh nghiệp gặp rắc rối, vướng vào tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các lĩnh vực khác. “Vấn đề lừa đảo trực tuyến, cạnh tranh không lành mạnh, hay hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường của các doanh nghiệp mạng lớn cũng sẽ gây ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp”, bà Quế Anh cho hay.

Về phía người tiêu dùng, họ cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Quyền riêng tư của người tiêu dùng có thể bị đe dọa do việc thu thập dữ liệu mà không có sự đồng ý, theo dõi và rò rỉ thông tin cá nhân. Thêm vào đó, nhiều nền tảng thương mại điện tử thường thiếu thông tin đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ và các chính sách liên quan, khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Tại Hội thảo, ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng ban, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã đề cập đến những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Đáng chú ý, Luật mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm. Quy định 7 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, được ưu tiên bảo vệ.

Được biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ 1/7/2024 gồm 7 chương, 80 điều; có những chương quan trọng như: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội.Để thực thi Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)


.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn