Hiện nay, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, nhất là khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng cao.
Cẩn trọng với hàng giá rẻ
Thời gian qua, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt, lợi dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng online, các shop bán hàng lừa đảo xuất hiện tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Hà My (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từng bị "hớ" khi mua hàng online chia sẻ: Do có nhu cầu mua một số loại mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, tôi lên mạng tìm hiểu. Sau đó, tôi nhận được tin nhắn qua Facebook của một người chào bán các sản phẩm mỹ phẩm của nhiều thương hiệu lớn.
“Người này gửi cho tôi một đường link đến một trang thương mại điện tử và cho biết các sản phẩm trên gian hàng trực tuyến thường có mức giá cao hơn nhiều. Nếu mua qua tin nhắn, chuyển khoản thì giá sẽ rẻ hơn. Thấy sản phẩm qua hình ảnh mẫu mã “y thật” tôi đã đặt mua một đơn hàng có giá trị lớn. Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phát hiện ra đó chỉ là hàng giả, kém chất lượng. Liên lạc qua tài khoản bán hàng thì đã bị chặn liên lạc” - chị My cho hay.
Tương tự, anh Vũ Văn Tuấn - một khách hàng tại Hà Nội, chuyên kinh doanh các mặt hàng công nghệ cho biết, anh thường xuyên tìm kiếm thông tin sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, qua theo dõi, anh Tuấn cho biết, hiện hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử diễn ra rất nhiều và chủ yếu tập trung ở nhóm hàng công nghệ bởi giá trị lớn.
Theo anh Tuấn, một số người mua bị “lừa” vì không am hiểu về sản phẩm, không có cơ sở kiểm chứng và ham giá rẻ rất dễ rơi vào bẫy.
Cụ thể như điện thoại iPhone 14 Pro chính hãng giá khoảng 25 triệu đồng nhưng trên shop online chỉ khoảng 8-9 triệu đồng. Hay laptop Dell 9310 2in1, giá chính hãng cả chục triệu đồng nhưng sàn thương mại điện tử giá chỉ 3 triệu đồng.
Thông tin về vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, có tình trạng nhiều đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.
Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động.
Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm nhằm “mồi” khách. Kèm theo đó là “đặt hàng” nhiều lượt đánh giá ảo với những đánh giá “khen hết lời” nhằm dụ người tiêu dùng "chốt" đơn.
Liên quan đến vấn đề này, cơ quan chức năng đã vào cuộc và bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị lừa đảo qua thủ đoạn giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn, với số tiền thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Cụ thể, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là lập tài khoản mạng xã hội giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn, dụ nạn nhân qua việc nhận quà tặng miễn phí, mua hàng giá rẻ... Khi nạn nhân đã thực hiện những giao dịch lên đến cả trăm triệu đồng thì nhóm lừa đảo cắt đứt liên lạc.
Tăng cường kiểm soát shop "ảo" trên sàn thương mại điện tử
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chia sẻ với Báo Công Thương, đại diện Shopee cho biết, đơn vị cam kết mang đến cho người dùng những trải nghiệm mua sắm an toàn và đáng tin cậy.
"Chúng tôi nghiêm túc quản lý các loại hàng hóa lưu thông trên sàn và nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như chính sách đăng bán của Sàn. Shopee luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, uy tín và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dùng" - thông tin từ đại diện Shopee.
Bên cạnh đó, Shopee khẳng định, sẽ có các biện pháp xử lý cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được bất kỳ phản ánh có căn cứ xác thực đối với các sản phẩm kém chất lượng hay không có nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Về giải pháp, Shopee cho hay, nhằm hạn chế việc giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, Shopee có các chính sách kiểm soát và quản lý chặt chẽ hoạt động đăng bán trên nền tảng Shopee được công bố tại Quy định đăng bán sản phẩm được đăng tải trên trang Kênh người bán Shopee.
Theo đó, khi đăng bán sản phẩm, người bán có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, Quy định đăng bán sản phẩm trên Shopee, Chính sách cấm/hạn chế sản phẩm, cũng như các Điều khoản sử dụng và Chính sách của Shopee.
Ngoài ra, Shopee có đội ngũ nhân sự thường xuyên sàng lọc danh sách sản phẩm để đảm bảo người bán không vi phạm chính sách của công ty. Các trường hợp cố tình vi phạm, nhân sự kiểm duyệt của công ty sẽ quyết cương gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm.
Danh sách từ khóa sẽ được bộ phận kiểm duyệt cập nhật thường xuyên thông qua công tác kiểm tra/giám sát hoặc ngay khi phát sinh các vụ việc có liên quan. Đối với Shop vi phạm, Shopee có áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ (tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop).
Công ty cũng đã thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee để tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể báo cáo các sản phẩm vi phạm đến Shopee để công ty có biện pháp xử lý theo quy định.
Với sản phẩm được đề cập, Shopee sẽ tiến hành rà soát và tiến hành xử lý các đăng bán vi phạm theo quy định, đồng thời tiếp tục rà soát thường xuyên để ngăn chặn các sản phẩm tương tự xuất hiện trên Shopee.
Nhằm hạn chế thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (Nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...
Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)