6/27/2025 10:05:00 AM
.

Dệt may, da giày tận dụng EVFTA cùng thương mại số để tăng xuất khẩu sang Hà Lan


Tận dụng ưu đãi từ EVFTA để giảm thuế quan, cải thiện logistics và tiếp cận thương mại điện tử là chiến lược thúc đẩy xuất khẩu dệt may, giày dép sang Hà Lan.

Việt Nam dẫn đầu thị phần giày dép xuất khẩu sang Hà Lan

Sau 5 năm có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã và đang mở “xa lộ” cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Liên minh châu Âu. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông, thủy sản... ngày càng được người tiêu dùng châu Âu, trong đó có người tiêu dùng Hà Lan đón nhận rộng rãi.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan trong 4 tháng đầu năm đạt 4,42 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,16 tỷ USD, tăng 4,6%, nhập khẩu từ Hà Lan đạt 262 triệu USD, tăng 17,1%.

Trong số đó, nhóm hàng dệt may, giày dép, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày và túi xách, vali, ví, ô có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 4 tháng đầu năm 2025, từ 10% đến 20% tùy mặt hàng.

Phân tích cụ thể dư địa xuất khẩu da giày sang thị trường Hà Lan, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, Việt Nam hiện đang giữ vị trí dẫn đầu thị phần giày dép nhập khẩu vào Hà Lan năm 2024 chiếm 21,3%, vượt qua Đức (18,1%), Trung Quốc (11,1%), và Ý (6,3%).

Kết quả này thể hiện lợi thế của Việt Nam về chi phí sản xuất thấp, năng lực gia công lớn và chất lượng ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn EU.

Không những vậy, với ưu thế về giá thành, năng lực gia công và kinh nghiệm xuất khẩu, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị phần, đặc biệt ở phân khúc trung cấp, sản phẩm OEM cho các thương hiệu châu Âu và các dòng giày thời trang sử dụng vật liệu sinh thái. Các kênh tiềm năng bao gồm hệ thống bán lẻ như Van Haren, Omoda và kênh thương mại điện tử như Zalando, AmazonNL.

Hiện nay, thị trường giày dép Hà Lan đang có xu hướng tiêu dùng rõ rệt theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và đề cao sự tối giản trong thiết kế.

“Giày thể thao, slip-on và giày công sở linh hoạt là các phân khúc tiêu dùng tăng trưởng nhanh. Người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến vật liệu tái chế, sản phẩm không sử dụng da thật (vegan leather), cũng như quá trình sản xuất đảm bảo đạo đức và minh bạch” - bà Võ Thị Ngọc Diệp thông tin.

Để đáp ứng tiêu chuẩn EU, Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh, các doanh nghiệp giày Việt Nam có thể nhập nguyên phụ liệu như da nhân tạo, đế giày, keo dán từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản - những thị trường có FTA với Việt Nam và năng lực cung ứng lớn. Việc lựa chọn nhà cung cấp cần đảm bảo yếu tố chất lượng, chứng chỉ an toàn hóa học theo quy định REACH, và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, châu Mỹ và EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất giày dép của Việt Nam. Xuất khẩu giày dép sang thị trường EU chiếm tỷ trọng 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

“Cơ hội để phát triển là có nhưng thị trường này những năm qua luôn chịu tác động bởi kinh tế toàn cầu, mặc dù có EVFTA nhưng chúng ta mới chỉ giữ vững thị trường thôi còn tăng trưởng nhảy vọt thì chưa đạt được” - bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định.

Doanh nghiệp dệt may chủ động tận dụng EVFTA

Riêng đối với hàng may mặc, Tham tán Thương mại Võ Thị Ngọc Diệp cho rằng, ngành may mặc Việt Nam đang có tiềm năng lớn xuất khẩu sang Hà Lan.

Xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Hà Lan trong năm 2024 tăng gần 28% chiếm thị phần là 4,7% đứng sau Trung Quốc (17,2%), Bangladesh (8,6%), nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành may mặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu dưới vai trò gia công cho các thương hiệu lớn không có thương hiệu riêng, điều này làm giảm giá trị gia tăng và phụ thuộc nhiều vào các đối tác quốc tế.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần chuyển dịch từ vai trò gia công sang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu riêng, tập trung vào phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng và bền vững.

Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng ưu đãi từ EVFTA để giảm thuế quan, cải thiện logistic, và mở rộng tiếp cận qua thương mại điện tử sẽ là các chiến lược cần thiết. Đồng thời, việc đầu tư vào R&D, quảng bá sản phẩm và tiếp cận các nhà nhập khẩu như C&A, Zeeman, WE Fashion, cũng như các nền tảng số như Zalando sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế trên thị trường Hà Lan và EU.

Để tận dụng quy tắc xuất xứ theo EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần nguồn vải và phụ liệu đạt chuẩn từ các quốc gia có FTA như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là các thị trường cung cấp nguyên liệu chất lượng, có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái châu Âu, đồng thời giúp kiểm soát chi phí hiệu quả.

Cùng với những lợi thế từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may trong nước thời gian qua đã chủ động nâng cấp dây chuyền sản xuất, chuyển sang dùng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế.

Tại Công ty TNHH Dệt May T.T. Khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai, công ty đã đầu tư máy móc công nghệ châu Âu, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 và đạt được chứng nhận WRAP. Đây là một điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vào EU.

Bà Trần Thị Hạnh - Giám đốc Công ty chia sẻ: “Khách hàng châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội và quy trình sản xuất xanh. Chúng tôi đã thay thế toàn bộ hệ thống nhuộm hóa học bằng thuốc nhuộm gốc nước và sử dụng sợi tái chế để đáp ứng các tiêu chí bền vững”.

Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn