Giá cà phê trong nước hôm nay hồi phục trở lại 1.100 – 1.500 đồng/kg, lên mức 129.900 – 130.500 đồng/kg. Thị trường trong nước và thế giới có dấu hiệu tích cực khi chính sách thuế quan của Mỹ hạ nhiệt. Nguồn cung cà phê toàn cầu tiếp tục thắt chặt trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp giảm, trong khi triển vọng vụ mới của Brazil không khả quan.
Trên hai sàn giao dịch thế giới, giá robusta và arabica đồng loạt tăng, khi thị trường tập trung vào vụ thu hoạch ở quốc gia sản xuất hàng đầu Brazil. Giá robusta LRCc2 trên sàn London tăng 105 USD, tương đương 2% lên mức 5.362 USD/tấn. Giá arabica KCc2 trên sàn New York tăng 13 cent, tương đương 3,5% lên ở 385,75 US cent/lb, mức cao nhất 3 tuần khi đồng real Brazil tăng giá.
Hợp tác xã Cooabriel cho biết việc thu hoạch hạt cà phê conilon - một loại cà phê robusta - cho vụ mùa 2025/26 đã bắt đầu ở một số khu vực thuộc các bang Espirito Santo và Bahia của Brazil. Theo dự đoán từ hai Ngân hàng Rabobank và Itau BBA, sản lượng cà phê trong niên vụ 2025/26 của Brazil có khả năng giảm từ 3 đến 6,4% so với niên vụ trước, chủ yếu do tình trạng khô hạn hồi năm ngoái.
Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) tác động đến nguồn cung cà phê vào châu Âu, đặc biệt đối với các quốc gia sản xuất lớn như Việt Nam, Brazil, Colombia và Indonesia. Nếu các nhà sản xuất không đáp ứng được yêu cầu của EUDR, nguồn cung cà phê vào EU có thể bị hạn chế, dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung toàn cầu và đẩy giá cà phê tăng. Chi phí tuân thủ EUDR – từ việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, giám sát rừng đến chứng nhận sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến giá bán trên thị trường thế giới. Nếu nhiều quốc gia không đáp ứng được quy định, họ có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường ít khắt khe hơn như Mỹ hoặc Trung Quốc, dẫn đến dư thừa cung tại các thị trường này và có thể làm giảm giá cục bộ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê của nước ta trong nửa đầu tháng 4/2025 đạt 83.572 tấn, thu về 482,98 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với nửa đầu tháng 3/2025, đồng thời giảm 3% về lượng nhưng tăng 49,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Sở hữu tiềm năng to lớn và bề dày lịch sử, cà phê Việt Nam hoàn toàn có cơ hội chinh phục những thị trường khó tính nhất trên toàn cầu. Song, cánh cửa vươn ra thế giới chỉ thực sự rộng mở khi ngành hàng này đặt trọng tâm vào xây dựng một chuỗi sản xuất bền vững từ khâu canh tác đến chế biến.
Nhanhieuviet (Theo Vinanet/VITIC, IPC, Tạp chí Công thương - Link gốc)