1/10/2025 11:21:00 AM
.

“Chắp cánh” cho thương hiệu OCOP vươn xa


Để “chắp cánh” cho thương hiệu OCOP vượn xa, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xấy dựng thương hiệu quốc gia.

Từ điểm sáng về sản phẩm OCOP

Chúng tôi về xã Tứ Yên (huyên Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) trong những ngày nắng ấm đầu xuân. Câu ca dao vẫn vang vọng: “Quê tôi ăn Tết cổ truyền/ Riêng thứ bánh tẻ chẳng quên năm nào”. Món bánh tẻ như “hồn quê” đong đầy trong mỗi tâm thức người dân nơi đây… Theo năm tháng, để món quà quê được lan tỏa trở thành sản phẩm đặc trưng cùng với niềm tự hào, mỗi người dân đã nỗ lực bảo tồn và cùng xây dựng thương hiệu bánh tẻ Tứ Yên.

Được biết, năm nay, món bánh tẻ truyền thống của địa phương vừa mới được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là niềm vui trước thềm xuân mới với mỗi người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Tứ Yên) chia sẻ: “Từ một món ăn truyền thống, bánh tẻ Tứ Yên đã trở thành sản phẩm đặc trưng và được nhiều người biết đến. Chúng tôi, mỗi người dân luôn chú trọng bảo tồn nghề, chú trọng hơn các quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cách bảo quản… và xây dựng thương hiệu để có thể vươn rộng ra thị trường, đem sản phẩm đặc trưng đến mọi nơi, để từ đó giới thiệu hình ảnh, nét đẹp, văn hóa vùng quê mình”.

Không chỉ sản phẩm bánh tẻ Tứ Yên, các sản phẩm khác của huyện Tam Đảo cũng mới được công nhận OCOP 3 sao như sản phẩm viên bổ thận Tam Dao trùng thảo và rượu men lá Sán Dìu Tam Đảo của Hợp tác xã (HTX) Nấm Tam Đảo.

Từ quyết tâm tạo ra các sản phẩm nấm ăn và thực phẩm được chế biến từ nấm mang lại giá trị cao cho sức khỏe cộng đồng, HTX Nấm Tam Đảo không ngừng nghiên cứu các loại nấm có giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo – chia sẻ: “Tận dụng lợi thế về khí hậu, điều kiện tự nhiên và địa hình vùng núi Tam Đảo, chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu, nuôi trồng các loại nấm có giá trị cả về kinh tế và chất lượng. Chúng tôi đã thành công trong việc đưa chủng nấm đông trùng hạ thảo Cordycep Militaris, trong đó đông trùng hạ thảo Ký chủ nhộng Trường Thọ là sản phẩm đánh dấu sự thành công đột phá, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương, mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Hiện nay, HTX Nấm Tam Đảo đã cho ra thị trường nhiều dòng sản phẩm cao cấp từ nấm đông trùng hạ thảo như: Đông trùng hạ thảo Ký chủ nhộng Trường Thọ, phổi phế khang Tam Dao trùng thảo, giải độc gan Tam Dao trùng thảo, viên bổ thận Tam Dao trùng thảo, rượu men lá Sán Dìu Tam Đảo…

Không ngừng tạo ra chất lượng các sản phẩm, đến nay, HTX có 9/20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Các sản phẩm của Nấm Tam Đảo được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước tin tưởng sử dụng và có trên 50% khách hàng tìm mua trên các nền tảng mạng xã hội.

Đến xây dựng thương hiệu quốc gia

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 20 làng nghề truyền thống và gần 500 HTX, trong đó, 347 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vĩnh Phúc có 61 đơn vị tham gia chương trình OCOP, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và chính quyền địa phương, sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.

Trong năm qua, từ các chương trình hội nghị, tập huấn, hội chợ, triển lãm… trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi, cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP; phát triển, xây dựng chuỗi của hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng rãi ở tất cả các huyện thành phố trong tỉnh; đặc biệt, tại các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Tây Thiên… đã có gian hàng trưng bày và bán sản phẩm quy mô, phong phú, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước; các tour du lịch cũng được nhiều đơn vị lữ hành đưa sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu, tạo được ấn tượng và sự quan tâm của khách hàng, hướng tới ký kết hợp đồng kinh tế lâu dài.

Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa, phát triển sản phẩm theo hình thức online, qua các sàn thương mại điện tử hay làm quà tặng trong chương trình hội nghị lớn, giao lưu đối tác nước ngoài,… nhằm quảng bá sâu rộng hình ảnh sản vật, sản phẩm đặc trưng của vùng đất và con người Vĩnh Phúc tới bạn bè quốc tế. Nhiều sản phẩm OCOP dã “có mặt” tại các điểm bán hàng, khách sạn nước ngoài như: Trà hoa vàng Tam Đảo, mật ong Tam Đảo…

Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP không ngừng tăng cho thấy tư duy sản xuất xủa người dân thay đổi theo hướng tích cực, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh quê hương.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có 170 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 42 sản phẩm 4 sao, 128 sản phẩm 3 sao. Để “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP vươn xa, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, các địa phương chủ động phối hợp công tác đào tạo nghề gắn với bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Xây dựng, triển khai tốt quy hoạc nông nghiệp, tạo vùng sản xuất tập trung đối với nhóm sản phẩm theo thế mạnh của từng địa phương; bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất có sản vật độc đáo, chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng miền. 
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương)

.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn