Đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ,... đây sẽ là những "tấm vé thông hành” giúp nhiều nông sản từng bước tạo dựng được thương hiệu, chinh phục các thị trường lớn.
Thương hiệu nâng tầm giá trị nông sản
Ngày 8/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai phối hợp UBND huyện Văn Bàn, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoa Ban tổ chức công bố logo chỉ dẫn địa lý Thẩm Dương với sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón và cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, đến nay, huyện Văn Bàn hiện có 10 nhãn hiệu, logo được bảo hộ, gồm 8 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý “Thẩm Dương” cho sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón. Việc sử dụng, khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Thẩm Dương”, tăng cường quảng bá và khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm có nguồn gốc từ huyện Văn Bàn được thị trường biết đến.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong thời gian qua, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đã được triển khai qua nhiều hình thức. Đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó, có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, cá nước lạnh Bát Xát, vịt cổ nhung xanh Văn Bàn,...
Hiện tại, tỉnh Lào Cai đang hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý cho 17 sản phẩm như: Hồng không hạt Bảo Hà, rau an toàn Bảo Thắng, lợn đen Văn Bàn, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam…
Đến nay, các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu được in lên bao bì, tem, nhãn dán lên sản phẩm, in trên phương tiện quảng bá để tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng và trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến, mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Còn tại tỉnh Long An, chanh không hạt Long An không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn chinh phục thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Đầu tháng 7/2024, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận chanh không hạt “Bến Lức - Long An”. Đây là tin vui cho người trồng chanh bởi giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý chính là “tấm vé thông hành” để quả chanh tiếp cận và chinh phục các thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị và cải thiện thu nhập cho người trồng chanh.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh Long An có hơn 11.300ha chanh, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ và Thạnh Hóa. Sản lượng trái hàng năm khoảng 180.000 tấn. Toàn tỉnh xây dựng được hơn 3.700ha chanh ứng dụng công nghệ cao và hơn 664ha chanh được cấp chứng nhận GAP. Cùng với đó, tỉnh có 41 mã số vùng trồng, 31 mã số cơ sở đóng gói và 1 chỉ dẫn địa lý chanh không hạt Bến Lức - Long An.
Trong khi đó, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định số 732/QĐ-UBND phê duyệt dự án khoa học và công nghệ nhằm mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ, dự kiến triển khai trong năm 2025. Dự án thuộc Chương trình Phát triển Tài sản Trí tuệ giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Kon Tum.
Trong 24 tháng thực hiện, dự án sẽ tập trung nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao và thảm thực vật tại các địa phương này, đồng thời phân tích tính chất, chất lượng đặc thù của sâm Ngọc Linh tại vùng mở rộng để phục vụ việc xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ. Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu về chất lượng đất và lập bản đồ hiện trạng phân bố sâm cùng chất lượng đất tại các vùng mở rộng với tỷ lệ 1/25.000.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức tuyển chọn đơn vị thực hiện dự án. Sau khi hoàn thành, kết quả dự án sẽ được chuyển giao cho các Sở, ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân kinh doanh sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh để triển khai ứng dụng.
Cà phê là cây trồng chủ lực tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nhằm đảm bảo bảo vệ vùng trồng và đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, bảo vệ danh tiếng, chất lượng sản phẩm cà phê, UBND tỉnh đã có văn bản số 3100/UBND-KGVX đồng ý phê duyệt bản đồ khu vực địa lý sản xuất tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Giao UBND huyện Hướng Hóa là chủ thể thực hiện đăng ký, thực hiện quản lý và sử dụng địa danh “Khe Sanh” để đăng ký chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị thực hiện hoàn thiện các thủ tục đăng ký các chỉ dẫn địa lý theo đúng quy định.
Hiện tại, UBND huyện Hướng Hóa đã nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý lên Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thẩm định đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý để huyện sớm tổ chức lễ đón nhận văn bằng ngay trong mùa vụ cà phê năm 2024. Từ đó có cơ sở để ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân nhằm đưa sản phẩm cà phê Khe Sanh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra thị trường trong năm 2025.
Mở rộng quy mô thị trường
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước đã có hơn 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 13 chỉ dẫn địa lý nước ngoài, trong đó, nước mắm Phú Quốc là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu theo các quy định chặt chẽ của châu Âu.
Mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá, sản phẩm đã tăng giá gần gấp đôi. Tương tự, nước mắm Phú Quốc tăng giá từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Cao Phong, cam Vinh cũng tăng giá hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hoà Lộc… nông sản Việt thường gắn liền với một địa danh vừa thể hiện đặc thù về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vừa để thể hiện lòng tự hào về vùng quê, xứ sở với những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được chứng thực trên thực tế có tác dụng gia tăng giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm có thương hiệu không chỉ chinh phục tốt thị trường nội địa với 100 triệu dân mà còn là "giấy thông hành" cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản… Đây cũng là động lực cho người dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại.
Nhanhieuviet (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương - Link gốc)