
Theo báo cáo, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.
Trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ, phát hiện và xử lý 47.135 vụ vi phạm. Đáng chú ý, số vụ chuyển cơ quan điều tra có dấu hiệu tội phạm tăng 2% so với năm 2023, cho thấy sự quyết liệt trong việc xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ xử lý vi phạm là trên 541 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm lên đến 425 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong quý I/2025, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 6.192 vụ, xử lý 5.626 vụ vi phạm và chuyển cơ quan điều tra 42 vụ có dấu hiệu tội phạm. Tổng số tiền xử lý trong quý đạt 184 tỷ đồng, bao gồm gần 90 tỷ đồng thu nộp ngân sách, hơn 46 tỷ đồng giá trị hàng hóa tịch thu và gần 48 tỷ đồng giá trị hàng hóa buộc tiêu hủy.
Để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.Chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện các vấn đề nổi cộm và các hình thức vi phạm mới để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, đặc biệt chú trọng đến các quy định về điều kiện kinh doanh, nhãn mác, chất lượng, hóa đơn, nguồn gốc sản phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để tăng tính khả thi, răn đe và phù hợp với thực tế, đồng thời tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng.
Đẩy mạnh công tác truyền thông một cách thường xuyên, liên tục và đa dạng về hình thức, tăng cường thông tin về kết quả công tác và các vụ việc vi phạm điển hình để cảnh báo và răn đe.
Tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong việc chia sẻ thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm.Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo và công chức quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại phức tạp kéo dài mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Với những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt này, Bộ Công thương thể hiện rõ quyết tâm trong việc đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và xây dựng một thị trường lành mạnh, minh bạch.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)