4/25/2025 8:46:00 AM
.

Trend tạo hình ảnh AI theo phong cách Ghibli làm dấy lên cuộc tranh luận về bảo vệ bản quyền nghệ thuật


Trào lưu sử dụng AI biến ảnh thành các khung hình theo phong cách của Studio Ghibli – hãng phim hoạt hình được yêu thích tại Nhật Bản – đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ các nghệ sĩ và tranh cãi về việc liệu phong cách nghệ thuật có nên được bảo vệ bởi luật bản quyền hay không.

Bắt đầu từ cuối tháng Ba, nền tảng X (trước đây là Twitter) tràn ngập hình ảnh các gia đình đang đi nghỉ, các cặp đôi mới cưới và nhiều cảnh đời thường khác – tất cả đều được tái hiện theo phong cách rất giống với bộ phim My Neighbor Totoro của Ghibli.

Trào lưu này bùng nổ sau khi OpenAI tích hợp một công cụ tạo hình ảnh chất lượng cao vào ChatGPT, cho phép người dùng tạo ra các bức tranh phong cách Ghibli chỉ bằng một bức ảnh và một lời nhắc đơn giản.

Vài ngày sau bản cập nhật, CEO của OpenAI – Sam Altman – đăng trên X rằng dịch vụ này đã “có thêm một triệu người dùng chỉ trong một giờ đồng hồ".

Việc trào lưu này bùng nổ nhanh chóng trên khắp các nền tảng mạng xã hội đã đặt ra câu hỏi là liệu việc sao chép phong cách của Ghibli một cách ’quá sát’ như vậy có vi phạm bản quyền hay không. Tuy nhiên, phần lớn quan điểm hiện nay cho rằng điều đó không vi phạm luật pháp Hoa Kỳ hiện hành cũng như Luật Bản quyền ở nhiều quốc gia khác.

Luật bảo hộ bản quyền ở Mỹ chỉ áp dụng với những tác phẩm “được cố định trên một phương tiện vật chất có thể biểu đạt.” Ví dụ như các nhân vật cụ thể như Chuột Mickey. Nhưng luật không bảo vệ ý tưởng hay phong cách. Việc sao chép một tác phẩm cụ thể của một họa sĩ có thể bị xem là vi phạm bản quyền, nhưng việc tạo ra một bức tranh mới theo phong cách đó thì không.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có nguy cơ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật sư Joshua Weigensberg, thành viên của hãng luật Pryor Cashman, cho biết các hình ảnh do AI tạo ra nếu có những đặc điểm “giống hệt hoặc gần như giống với các tác phẩm của nghệ sĩ, không chỉ về phong cách trừu tượng mà còn về các yếu tố biểu đạt cụ thể”, vẫn có thể bị coi là vi phạm bản quyền.

Ngoài ra, vấn đề thương hiệu cũng có thể phát sinh nếu người dùng hoặc công ty sử dụng hình ảnh phong cách Ghibli theo cách khiến người khác hiểu lầm rằng dịch vụ đó có liên quan chính thức đến Studio Ghibli.

Sau khi tranh cãi bùng nổ, OpenAI trong một tuyên bố với tờ Nikkei cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực ngăn chặn việc tạo hình ảnh theo phong cách của các nghệ sĩ đang còn sống, nhưng chúng tôi cho phép sử dụng các phong cách chung của các hãng phim – điều này đã được người dùng tận dụng để tạo ra nhiều tác phẩm gốc mang tính sáng tạo và truyền cảm hứng".

Studio Ghibli từ chối bình luận với Nikkei vào ngày 27/3.

Được biết, các nghệ sĩ tại Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối trào lưu Ghibli này. Họa sĩ minh họa kỹ thuật số Marc Brunet đăng trên X chỉ trích rằng “Ghibli không thu được xu nào từ chuyện này trong khi [OpenAI] thì kiếm hàng tỷ đô bằng cách ăn cắp phong cách nghệ thuật mang tính biểu tượng của họ".

Karla Ortiz – họa sĩ và nghệ sĩ minh họa – gọi đây là “một hành vi vi phạm bản quyền và sự xúc phạm sâu sắc đến quyền lợi và sinh kế của nghệ sĩ.”

Các Luật và quy định quản lý AI vẫn đang trong quá trình định hình, cũng như các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và các nhà sáng tạo khác trước thực tiễn trí tuệ nhân tạo đang gây ảnh hưởng lớn tới những người làm công việc sáng tạo.

Làn sóng phản đối sử dụng AI để mô phỏng giọng nói đã tăng mạnh kể từ khi nữ diễn viên Scarlett Johansson lên tiếng phản đối vào năm ngoái vì OpenAI đã sử dụng một giọng nói “giống một cách kỳ lạ” với cô cho ChatGPT. Trào lưu phong cách Ghibli có thể trở thành một trường hợp nghiên cứu điển hình cho các câu hỏi xoay quanh việc sử dụng công nghệ này.

“Việc hình ảnh được tạo ra tự động như vậy khiến người ta cảm thấy nó vi phạm sâu sắc các nguyên tắc đạo đức chứ không chỉ là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,” giáo sư Mark Lemley từ Trường Luật Stanford nhận định.

“Nó không nằm trong phạm vi của luật bản quyền hiện hành. Vì thế, có thể các tòa án có thể cần mở rộng giới hạn của luật bản quyền để ngăn chặn điều này. Một khả năng khác là… Quốc hội có thể sẽ thay đổi luật,” ông nói thêm.

Adobe – công ty phát triển phần mềm nghệ thuật số nổi tiếng – cho biết họ ủng hộ quyền “chống mạo danh,” nhằm bảo vệ các nhà sáng tạo khỏi việc bị AI sao chép phong cách của họ. Công ty cũng ủng hộ một dự luật được nghị sĩ đảng Cộng hòa Darrell Issa đề xuất vào năm ngoái, nhằm cấm việc sử dụng bản sao kỹ thuật số của cá nhân cho mục đích thương mại nếu chưa được phép – gọi đây là một bước tiến hướng tới việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm.

Một số người cho rằng nên có giới hạn đối với nội dung mà AI được phép huấn luyện, chứ không chỉ đối với đầu ra do AI tạo ra. Điều này có thể khiến OpenAI đối mặt với rắc rối pháp lý nếu công ty đã sử dụng IP của Ghibli mà chưa được sự cho phép.

OpenAI lập luận rằng việc huấn luyện mô hình AI bằng dữ liệu công khai thuộc phạm vi “sử dụng hợp lý” theo luật bản quyền. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về thế nào là “sử dụng hợp lý” trong các ứng dụng AI vẫn đang tiếp diễn.

Hiện có khoảng 40 vụ kiện liên quan đến việc huấn luyện AI và sử dụng hợp lý đang diễn ra tại Hoa Kỳ, theo lời giáo sư Lemley. Vẫn còn phải chờ xem liệu hình ảnh AI phong cách Ghibli có tiếp tục gây sốt toàn cầu hay không.

“Các hãng phim Nhật Bản có quyền quyết định liệu họ có muốn tác phẩm nghệ thuật của mình bị AI sao chép hay không,” luật sư Weigensberg kết luận.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)
Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn