5/6/2020 9:14:00 AM
.

Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến hệ thống bảo hộ sáng chế


Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính điều này đã đặt ra câu hỏi về mối tương quan giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và đăng ký bảo hộ sáng chế liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), hệ thống bảo hộ sáng chế được tạo ra với mục đích trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhờ khai thác và thúc đẩy khoa học công nghệ, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, thế giới luôn vận động kéo theo sự xuất hiện của những hiện tượng mới, yêu cầu hệ thống pháp luật kịp thời thích ứng. 

Vì lẽ đó, hệ thống sáng chế sẽ không thể tránh khỏi tầm ảnh hưởng sâu rộng của làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ. Do vậy, để duy trì cơ chế bảo hộ sáng chế theo đúng mục tiêu ban đầu khi tạo ra hệ thống này, chúng ta nên đánh giá những khả năng mà trí tuệ nhân tạo sẽ tác động tới hệ thống sáng chế, từ đó quyết định hướng đi phù hợp cho tương lai.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống như an ninh quốc phòng,viễn thông, giáo dục, y tế, giải trí… giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu và triển khai, thì bảo hộ sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng góp phần khuyến khích tạo ra những công nghệ AI mới tiến bộ hơn. Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), từ năm 2006 đến năm 2017, số lượng đơn sáng chế liên quan đến AI tăng gấp 6,5 lần từ 8.515 đơn trong năm 2006 lên 55.660 đơn trong năm 2017. Tuy nhiên, lượng đơn đăng ký sáng chế AI tăng nhanh cũng đặt ra không ít vấn đề liên quan đến pháp luật về bảo hộ sáng chế.

Từ năm 2019, WIPO đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một vài vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến, cụ thể là:

- Việc quy định loại công nghệ trí tuệ nhân tạo nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế;

- Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ trí tuệ nhân tạo;

- Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ trí tuệ nhân tạo hay không.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, một số quốc gia đã thay đổi các quy định về bảo hộ sáng chế, tạo ra cơ chế bảo hộ thông thoáng hơn dành cho công nghệ về khoa học máy tính.

Đầu năm 2019, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) ban hành một vài hướng dẫn sửa đổi quy chế thẩm định đối tượng bảo hộ sáng chế. Hướng dẫn quy định cụ thể hơn về các đối tượng được coi là “abstract ideas” (ý tưởng trừu tượng) không được bảo hộ sáng chế, bao gồm: khái niệm toán học; phương pháp thực hiện các hoạt động của con người; phương pháp suy luận trí óc. Theo đó, quy định này đã mở rộng phạm vi đối tượng bảo hộ, cho phép bảo hộ sáng chế liên quan đến lập trình thuật toán mà trước đây bị xếp vào nhóm đối tượng “ý tưởng trừu tượng”.

Ngoài ra, USPTO còn tạo ra một cơ chế linh hoạt tối đa khi chấp nhận những giải pháp được xem là “ý tưởng trừu tượng” nhưng có khả năng tích hợp vào ứng dụng thực tế (practical application) là đối tượng bảo hộ sáng chế. Thậm chí ngay cả khi giải pháp kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu về tính ứng dụng thực tế thì vẫn được tiếp tục đánh giá tính sáng tạo, xem xét khả năng có được bảo hộ hay không. Có thể thấy, đối với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, pháp luật sáng chế có xu hướng mở rộng quy định về đối tượng bảo hộ sáng chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển.

Hiện nay, có nhiều giải pháp kỹ thuật liên quan đến AI xuất hiện, nhưng người nộp đơn không đề cập tác giả sáng chế là trí tuệ nhân tạo vì đa số pháp luật các nước đều yêu cầu tác giả sáng chế phải là con người. Trong khi đó, theo dự báo trong tương lai sẽ có nhiều đơn đăng ký sáng chế mà tác giả là trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, hệ thống sáng chế quốc gia cần cân nhắc đặt ra những quy định giải quyết vấn đề này mà vẫn đảm bảo động lực khuyến khích công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn