10/19/2023 10:03:00 AM
.

Bảo vệ nhãn hiệu phụ tùng ô tô, xe máy: Cần sự phối hợp giữa các ban ngành


Tình hình kinh doanh phụ tùng ô tô, xe máy giả mạo nhãn hiệu tại Việt Nam đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Các đối tượng đã lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các đơn vị chính hãng để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ rõ thực tế: Nhiều đối tượng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước rồi đưa ra thị trường tiêu thụ là hành vi vi phạm tương đối phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước.

Chính những hành vi này đã gây tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông do phụ tùng giả, không đảm bảo chất lượng gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp... những tai nạn này đã gây tổn thất lớn cho sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng, và ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi sở hữu trí tuệ của Honda Việt Nam, cho biết đã phải nhờ lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo này. Nhưng dù đã vào cuộc quyết liệt, mỗi năm, Honda Việt Nam phối hợp với Quản lý thị trường vẫn phát hiện từ 200-300 vụ với số lượng khoảng 100 ngàn phụ tùng giả.

“Những mặt hàng giả này thường được các đối tượng trà trộn vào các cửa hàng, tiệm sửa xe máy. Người tiêu dùng có thói quen đưa phương tiện đến chỗ sửa xe, và thợ chủ động thay, người tiêu dùng rất khó phát hiện” - Ông Định nói.

Theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, các bộ phận bảo đảm sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, má phanh cơ, đĩa, khóa điện, cuộn nổ, phanh tay, bộ lọc gió... thường bị làm giả nhiều nhất. Hàng nhái chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công với chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi thọ kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng.

Đó là dưới góc độ chất lượng, còn dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ lợi nhuận mà còn uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp.

Còn từ góc độ đầu tư nước ngoài, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại nổi bật như CPTTP, EVFTA, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử. Chỉ cần thực hiện tra cứu nhanh qua Google hay các công cụ tra cứu cung cấp bởi sàn thương mại điện tử, kết quả cho thấy các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy mang thương hiệu nổi tiếng của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán vô cùng đa dạng với đủ loại giá thành.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, để dùng mắt thường rất khó nhận biết đâu là hàng chính hãng và hàng giả, do vậy, nếu không có sự phối hợp từ các nhãn hiệu hay chủ thể quyền thì công tác kiểm tra, phát hiện các sản phẩm vi phạm sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Sự phối hợp là cần thiết, góp phần bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,” ông Trần Hữu Linh nói.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ và thông báo với cơ quan chức năng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đấu tranh trước các hành vi sản xuất-kinh doanh các sản phẩm làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như cạnh tranh không lành mạnh đối với các sản phẩm của mình.

Điều này không những giúp cho các doanh nghiệp phát triển tốt, tạo động lực cho nền công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp phát triển mà còn làm tăng tính minh bạch của thị trường.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn