4/10/2023 10:52:00 AM
.

Chuyển giao quyền bảo hộ giống cây trồng: Làm sao hài hòa lợi ích các bên?


Việc chuyển giao quyền sở hữu đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp nhằm tái đầu tư cho công tác nghiên cứu của các viện là cần thiết. Tuy nhiên, chuyển giao như thế nào để hài hòa lợi ích cho người nông dân, viện nghiên cứu, doanh nghiệp là điều cần được quan tâm.

Bảo hộ giống cây trồng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam làm chủ thị trường khi xuất khẩu. Việc chuyển nhượng, thu phí giống cây trồng còn là động lực để các tác giả tái đầu tư cho nghiên cứu. 

Tuy nhiên gần đây sự việc tranh chấp bản quyền giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) đã cho thấy còn nhiều lỗ hổng bất cập trong việc bảo hộ và chuyển giao giống cây trồng để đưa nông sản Việt ra nước ngoài. 

Thế khó cho nhiều đơn vị…   

Việc trả phí bản quyền đối với giống cây trồng là một trong những vấn đề ít phổ biến tại Việt Nam. Gần đây, việc thu phí bản quyền giống cây trồng đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1 của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã gây ra nhiều tranh cãi.

Nhật Bản đã nhập thanh long Việt Nam từ năm 2009. Tuy nhiên gầy đây, quốc này yêu cầu việc cấp mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu kèm theo yêu cầu về chủ thể bảo hộ giống cây trồng. Trước quy định mới của Nhật Bản về mã số vùng trồng khi xuất khẩu, chỉ có chủ sở hữu giống mới có quyền xuất khẩu. Dù có nhiều đơn vị trồng và xuất khẩu giống thanh long LĐ1, tuy nhiên chỉ có Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit nắm bản quyền, đơn vị này đã đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.  

Trước đó, vào ngày 4/5/2017, Viện cây ăn quả miền Nam đã tiến hành thủ tục chuyển nhượng bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Đáng nói, trước thời điểm chuyển giao, giống thanh long ruột đỏ đã được nông dân mua và trồng phổ biến tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận.

Thời điểm trước năm 2016, giống thanh long ruột đỏ LĐ1 chưa được công nhận giống và đang trong khoảng thời gian thử nghiệm. Vấn đề mà người dân đặt ra hiện nay là tại sao Viện lại bán giống thanh long thử nghiệm cho nông dân trồng, rồi sau đó lại bán giống đã hoàn thiện cho một doanh nghiệp?

Tại thời điểm đó, để được công nhận giống cây trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giống thanh long ruột đỏ LĐ1 phải được sản xuất thử nghiệm với diện tích tối thiểu 50 ha. Do vậy, Viện Cây ăn quả miền Nam đã phối hợp với một số hộ nông dân để cung cấp giống cho họ sản xuất thử. Do nguồn tài chính hạn hẹp, khi tổ chức sản xuất thử nghiệm, Viện chủ trương thu một phần kinh phí của các hộ nông dân tham gia, việc thu phí này không mang tính chất thương mại.

Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác trồng thử với Viện Cây ăn quả Miền Nam, nhiều nông dân đã tự nhân giống thanh long ruột đỏ LĐ1 và phổ biến ra ngoài. Với thói quen làm nông nghiệp như chiết cành, xin hạt, hiện nay giống thanh long đã được trồng ở quy mô lớn, diện tích trồng giống LĐ1 đã lên tới hàng chục nghìn ha chỉ tính riêng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Có thể thấy, nếu tại thời điểm bán giống cây trồng cho người dân, Viện yêu cầu ký một hợp đồng thỏa thuận, cho biết rõ giống đang trong quá trình thử nghiệm, không phục vụ sản xuất giống cho quá trình thương mại thì sự việc sẽ đơn giản hơn.

Một vấn đề khác có thể nhìn thấy, nếu tại thời điểm ký thỏa thuận chuyển nhượng thành công vào năm 2017 với Viện cây ăn quả miền Nam, Hoàng Phát Fruit xây dựng một lộ trình thu phí để người dân có thể làm quen đã không tự đẩy mình vào thế khó.

Ngày 16/2 vừa qua, Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết sẽ chia sẻ bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, cụ thể như sau: Số lượng xuất khẩu từ 5.000 tấn đến 15.000 tấn, thu phí 30 đồng/kg; số lượng xuất khẩu từ 20.000 tấn đến 25.000 tấn, thu phí 20 đồng/kg; số lượng xuất khẩu từ 25.000 tấn trở lên, thu phí 10 đồng/kg.

Nghiên cứu từ ngân sách Nhà nước có được chuyển nhượng độc quyền cho doanh nghiệp?

Từ sự việc chuyển nhượng giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho doanh nghiệp, một vấn đề khác được đặt ra: Nghiên cứu giống cây trồng từ ngân sách Nhà nước nhưng chuyển nhượng độc quyền cho doanh nghiệp có được không?

Theo Điều 6 Nghị định 88/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010: "Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển toàn bộ bằng ngân sách Nhà nước thì tổ chức trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó được Nhà nước giao quyền chủ sở hữu; là chủ đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng và được thực hiện quyền của chủ bằng bảo hộ quy định tại Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ".

Điều này có nghĩa là với trường hợp giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được nghiên cứu bằng ngân sách Nhà nước, Viện Cây ăn quả miền Nam là chủ sở hữu. Theo Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Viện có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: Sản xuất hoặc nhân giống; chế biến nhằm mục đích nhân giống; chào hàng; bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; xuất khẩu; nhập khẩu…

Bên cạnh đó, theo Khoản 3 và 4, Điều 164, Luật SHTT sửa đổi số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định về đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau: "Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn".

Tại điểm C, Khoản 2 Điều 164 cũng quy định rõ Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo giống cây trồng.

Như vậy, việc chuyển giao đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1 của Viện Cây ăn quả miền Nam là phù hợp với Luật SHTT. Đồng thời việc chuyển giao đối với giống cây trồng cũng tạo nguồn thu cho Viện để từng bước thực hiện cơ chế tự chủ; tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tái đầu tư cho công tác nghiên cứu (thông qua khoản thuế trích nộp từ thương mại giống cây trồng).

Thế nhưng, hiện nay giống thanh long ruột đỏ LĐ1 đã được trồng phổ biến ở mức độ rộng rãi, chưa kể trước đó thanh Long ruột đỏ của người dân cũng được đưa đi xuất khẩu. Do đó nếu áp dụng bản quyền giống trong trường này với thanh long ruột đỏ LĐ1 thì có thể gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất của người dân. 

Từ đây, có thể thấy quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, bảo hộ, chuyển giao giống cây trồng còn có nhiều còn gặp nhiều khó khăn. Để tạo nên một giống cây ăn quả, công tác tạo ra giống mới phải mất khoảng thời gian từ 15 - 20 năm liên tục.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, phương pháp nhân giống hầu hết cây ăn quả là nhân giống vô tính nên dễ bị thất thoát vật liệu nhân giống trong quá trình nghiên cứu. Việc giám sát, thực thi quyền và nghĩa vụ về SHTT chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của cơ quan và tác giả công trình nghiên cứu.

Nhận thức của một số doanh nghiệp và người dân về SHTT còn hạn chế nên việc thực thi pháp luật về SHTT chưa đầy đủ. Do đó, việc thực thi và bảo vệ quyền tác giả của các công trình nghiên cứu, sản phẩm theo quy định về SHTT cần có sự quyết tâm và đồng bộ của hệ thống các cấp, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn