11/27/2020 8:40:00 AM
.

Những điểm nóng vi phạm bản quyền tại Việt Nam


Tại tọa đàm “Hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử”, các đại biểu đã đưa ra nội dung trọng tâm là giải pháp cụ thể, hiệu quả để chống nạn vi phạm bản quyền số.

Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã chủ trì tổ chức tọa đàm “Hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử”.

Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lưu Đình Phúc, với sự phổ biến của Internet và công nghệ phát triển, ngày càng có nhiều người sử dụng các nội dung trực tuyến. Dù là từ điện thoại di động, máy tính bảng hay ti vi thông minh, mức tiêu thụ kỹ thuật số ngày càng tăng và trở thành lựa chọn mặc định để người dùng truy cập phim, ti vi, nhạc, sách, phần mềm, trò chơi.

“Tuy nhiên, với sự gia tăng này, người xem có thể lựa chọn từ nhiều nền tảng phát trực tuyến các nội dung vi phạm bản quyền bất hợp pháp. Ngoài ra, việc sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị di động cùng với băng rộng tốc độ cao và khả năng lưu trữ chi phí thấp đã giúp thúc đẩy xu hướng vi phạm bản quyền kỹ thuật số”, ông Phúc nhận định.

Tại buổi tọa đàm, các nhà cung cấp nội dung tại Việt Nam đều khẳng định mạng xã hội, như YouTube, Facebook, đang là môi trường có nhiều vi phạm bản quyền nhất. Chẳng hạn, Facebook được khai thác để livestream bóng đá, hoặc chia sẻ đường link đến web phim lậu; YouTube đăng tải nội dung vi phạm bản quyền hoặc livestream trái phép các chương trình truyền hình.

Truyền hình Vĩnh Long cho biết, thời gian qua đơn vị này phải đối mặt với nhiều vi phạm bản quyền, đặc biệt trên nền tảng YouTube. "Khi chúng tôi đang chiếu một bộ phim, trên YouTube cũng có một số kênh phát trực tiếp phim đó", người đại diện cho biết, đồng thời ông khẳng định các chiêu trò "re-up" (đăng tải lại) như bóp méo hình, méo tiếng, xoay video để đánh lừa hệ thống kiểm soát của YouTube xảy ra liên tục với các nội dung của đài.

Đài tiếng nói Việt Nam VOV sau thời gian dài cung cấp nội dung qua sóng phát thanh, gần đây bắt đầu đưa lên các nền tảng số. Tuy nhiên, đơn vị này thậm chí bị YouTube đánh dấu vi phạm bản quyền nội dung do chính họ sản xuất, bởi đã có những đơn vị khác đã đăng lên trước. Ngoài ra, nhiều nội dung dạng "voice" của đơn vị này còn bị chia sẻ trên SoundCloud, lồng hình để đăng lên YouTube, Facebook, hoặc đưa lên các ứng dụng podcast.

Các đơn vị làm nội dung tại Tọa đàm đã kiến nghị nhiều biện pháp như tăng xử phạt, cần có liên minh của các đơn vị nội dung để phối hợp hành động, cùng xử lý vi phạm, cần sự can thiệp mạnh hơn nữa của cơ quan nhà nước (CQNN).

Giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền, đại diện VTVcab cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, gỡ các link vi phạm, thậm chí là khởi kiện. Mùa giải bóng đá 2016-2017, VTVcab khởi kiện 7 đơn vị, 6 đơn vị thừa nhận và xin hòa giải, đăng cải chính công khai liên tiếp 7 số báo liên tiếp, gỡ bỏ toàn bộ link vi phạm. VTVCab vẫn tiếp tục tự gỡ bỏ, tự chặn, nhưng muốn giải quyết triệt để phải có sự hỗ trợ của các CQNN.

VTVCab đề nghị cục PTTH&TTĐT thành lập một liên minh để hỗ trợ bảo vệ nội dung, bảo vệ bản quyền, sửa đổi một số quy định, dẹp các web lậu. Các đơn vị làm nội dung công khai thông tin bản quyền, đưa ra tòa để các vụ việc vi phạm nghiêm trọng để có thể được xử lý, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dùng.

Đồng quan điểm, đại diện của FPT Telecom cho rằng gần đây đơn vị này có bản quyền các giải bóng đá lớn như Series A, AFC và mong muốn có hiệp hội, liên minh, hay tổ chức để chung tay bảo vệ bản quyền các chương trình bỏ tiền ra mua.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn