10/14/2019 8:38:00 AM
.

Sở hữu trí tuệ là yếu tố trọng yếu trong quá trình phát triển đất nước


Tại Hội thảo “Phổ biến chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ và tham vấn báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của một quốc gia.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) hôm 7/10 vừa qua đã tổ chức Hội thảo “Phổ biến chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ và tham vấn báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, ngày 22/8 vừa qua Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Mục tiêu khác là việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.

Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao, cụ thể: Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng, đẩy mạnh, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 – 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1 – 2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đáng kể; phát triển được một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh, gia tăng đáng kể đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng GDP; chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội…

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đã vạch rõ các nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ…

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế sâu rộng, gần nhất là việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).

Các đàm phán của Việt Nam khi tham gia các hiệp định nói trên đều có các nội dung vô cùng quan trọng liên quan tới sở hữu trí tuệ, thậm chí trở thành một trong những nội dung đàm phán quan trọng bậc nhất, khó khăn bậc nhất mà chúng ta gặp phải. Điều đó càng khẳng định, sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành vai trò tiên quyết, chi phối nhiều mối quan hệ, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của một quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, mặc dù nền móng cho hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định CPTPP mà Việt Nam phải thi hành ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệđáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như để thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệnhư yêu cầu của các đối tác trong FTA, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Dự thảo hồ sơ đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần xác định được vai trò của Chiến lược sở hữu trí tuệ, các giải pháp mang tính chính sách được Chính phủ xây dựng và triển khai nhằm thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo; bảo hộ, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ được thực hiện một cách hiệu quả.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn