8/4/2016 8:45:00 AM
.

Giải pháp cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam


 

Trong vòng 25 năm qua, Việt Nam đã chuyển từ một trong những nước nghèo nhất thế giới sang một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Điều này xuất phát chủ yếu từ những cải cách cơ cấu được thực hiện bắt đầu từ năm 1986 ví dụ như cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phát triển khu vực tư nhân, cải cách tài chính, quản lý chi tiêu công và tự do hóa thương mại. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng Việt Nam có thể đạt được mức thu nhập trung bình hiện nay của Malaysia vào năm 2035 nếu Chính phủ tiếp tục cải cách cơ cấu và thể chế nhiều hơn nữa.

Một trong những khu vực được hưởng lợi từ cải cách cơ cấu là công nghiệp dệt may Việt Nam. Đây là ngành sử dụng nhiều lao động nhất với hơn 2,5 triệu người, chiếm 25% lực lượng lao động Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và tạo ra 17% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam (27,2 tỷ USD trong năm 2015).

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam nằm ở phân khúc giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Lao động khu vực nông thôn được đào tạo chuyên về cắt, may - vốn chiếm đến 78% giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Các khu vực hạ nguồn trong chuỗi giá trị dệt may Việt Nam ví dụ như marketing và phân phối vẫn kém phát triển và phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài.

Thực trạng ngành dệt may Việt Nam

Trong số gần 6.000 công ty hiện nay đang hoạt động trong ngành dệt may Việt Nam, 2% là doanh nghiệp nhà nước, 15% là các công ty đầu tư nước ngoài và 83% là công ty tư nhân. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng nhưng doanh nghiệp nhà nước là khu vực nắm ưu thế và đóng vai trò cửa ngõ cho các công ty nước ngoài nhằm khai thác lực lượng lao động giá rẻ của Việt Nam.

Năm 1995 Tập đoàn Dệt may Quốc gia Việt Nam (Vinatex) đã được thành lập để thúc đẩy cải tiến công nghệ, hiện đại hóa quản lý và đa dạng loại hình doanh nghiệp, bao gồm cả đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhưng sau 20 năm cơ cấu, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa nâng cấp được mình thậm chí nhiều doanh nghiệp nhà nước còn vướng vào nợ nần.

Để đối phó với sức ép cạnh tranh và việc hoạt động thiếu hiệu quả, năm 2014 Vinatex đã tiến hành bán cổ phần ra công chúng với tỷ lệ 49%. Theo đó, hơn 120 công ty cổ phần và liên doanh đã được tạo ra trong đó 51% cổ phần do chính phủ nắm giữ.

Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường: hoặc dịch chuyển lên cấp độ sản xuất công nghiệp cao hơn hoặc có nguy cơ đánh mất khả năng cạnh tranh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ lâu đã được chào đón trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và nhóm doanh nghiệp này hiện đóng  khoảng 60% vào doanh thu xuất khẩu của ngành nhưng lại có rất ít mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài khác.

Việt Nam, đầu tư nước ngoài và TPP

Ví dụ, các công ty Nhật Bản ký hợp đồng thầu phụ theo đơn hàng với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng họ không tạo ra được các liên kết hạ nguồn bằng cách đầu tư vào sợi hay vải.

Khi chi phí lao động ở Việt Nam cuối cùng phải tăng lên, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam sẽ di chuyển sang các nước có chi phí lao động thấp hơn ví dụ  Bangladesh và Sri Lanka.

Việt Nam dự kiến ​​sẽ là bên được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo Ngân hàng Thế giới TPP sẽ góp phần làm tăng GDP của Việt Nam khoảng 10% vào năm 2030. Phần lớn sự tăng trưởng này được dự đoán là đến từ xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Việt Nam có lợi thế về chi phí trong phân khúc ngành may vốn cần nhiều lao động và có thể tận dụng được những ưu đãi về tiếp cận thị trường do TPP mang lại. Nhưng rõ ràng là Việt Nam cần phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các thế mạnh hiện có.

Trong trường hợp ngành dệt may Việt Nam, kiến tạo các liên kết thượng nguồn yêu cầu cần là sự phát triển trong các khu vực hạ nguồn ví dụ như thiết kế, thương hiệu, marketing và phân phối hay kể cả bảo hiểm và tài chính. Để tạo ra được các liên kết này đồng nghĩa với việc đầu tư vào các khu vực thâm dụng vốn như hóa dầu và các lĩnh vực có chi phí nghiên cứu và phát triển cao. Việc nâng cấp này đòi hỏi mô hình doanh nghiệp mới. Vậy Việt Nam nên bắt đầu từ đâu?

TPP thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may Việt Nam

Quy tắc xuất xứ trong TPP yêu cầu tất cả các sản phẩm dệt may, bắt đầu từ sợi, có nguồn gốc từ các nước thành viên TPP thì mới được hưởng ưu đãi khi thâm nhập thị trường các quốc gia thành viên. Nắm bắt vấn đề này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiến hành đầu tư vào các liên kết hạ nguồn tại Việt Nam

Những khoản đầu tư cần nhiều vốn này phản ảnh cam kết lâu dài của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam. Để được hưởng lợi từ việc hấp thu công nghệ và năng suất cao hơn Việt Nam cần phải xây dựng được 2 khu vực:

  • Đầu tiên là lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công từ Chính phủ. Việc thiếu cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bến cảng và điện, đang làm cho việc phát triển các liên kết hạ nguồn trở nên tốn kém kém hơn và dẫn đến rất khó nâng cấp công nghiệp dệt may.  Giải quyết được vấn đề này này sẽ không chỉ có lợi cho ngành dệt may mà còn giúp được nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam. Khi chi phí trở nên rẻ hơn, các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào kỹ năng, công nghệ và kỹ thuật đễ nâng cấp các ngành thượng nguồn lẫn hạ nguồn.
  • Thứ hai là để thúc đẩy phát triển cần tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước và cải cách quản trị doanh nghiệp. Các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thiếu các sáng kiến thương mại và chỉ tận dụng được những ưu đãi về đất đai và vốn từ chính phủ. Việc tìm kiếm ưu đãi này cần phải được thay thế và Chính phủ cần phải khuyến khích nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Để đạt được tăng trưởng toàn diện và bền vững thì điều kiện quan trọng khác là thị trường cạnh tranh sẽ quyết định về việc phân bổ đất và vốn cho khu vực tư nhân. Thị trường phải mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vốn chiếm gần 97% số lượng doanh nghiệp và chiếm gần 75% lực lượng lao động của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một cơ chế để hỗ trợ DNNVV bao gồm tài chính, điều kiện liên doanh với các công ty nước ngoài và tận dụng lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Đây là các lĩnh vực bị thống trị bởi các doanh nghiệp nhà nước và việc giải phóng họ cho các khu vực tư nhân sẽ buộc họ cạnh tranh vì lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, thành quả sẽ là một ngành công nghiệp dệt may Việt Nam sáng tạo hơn, toàn diện hơn và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Nhanhieuviet (Theo hoinhap.org)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn