4/15/2024 3:17:00 PM
.

Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Trung du, miền núi phía Bắc


Ngày 12/4/2024, tại tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đồng chủ trì, giao Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai. Tham dự Hội nghị còn có ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cùng đại diện gần 300 Sở ban ngành, doanh nghiệp, hiệp hội vùng Trung du, miền núi phía Bắc, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao tại Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, thời gian qua, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, trong 02 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản... Lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng. Đối với một vùng có nhiều địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ thì đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn. Đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước, tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng, quy mô sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của vùng còn nhỏ lẻ, lĩnh vực công nghiệp mới tập trung chủ yếu ở một số ít địa phương có thế mạnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản tại hầu hết các địa phương trong vùng (trừ Bắc Giang, Thái Nguyên) còn tương đối khó khăn. Tính liên kết nội vùng và liên vùng còn rất nhiều hạn chế…

Để tìm kiếm những giải pháp khả thi, hiệu quả cho hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của vùng, tại Hội nghị, đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương đã tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của Vùng gồm: tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới; cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của Vùng; một số giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại của vùng; các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu năm 2024 của Bộ Công Thương với vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái cũng đã chia sẻ những vấn đề quan trọng của địa phương và của vùng như xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của Vùng Tây Bắc; tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm nông lâm sản chủ lực của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận…

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo. Trong bối cảnh đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Theo đề xuất của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới, Sơn La và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp; làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của địa phương.

Các đại biểu thống nhất để góp phần đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển thương mại, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao để mang lại những ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp. 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Để hỗ trợ, thúc đẩy vùng Trung du và miền núi phía Bắc có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cần liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của Vùng, từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất. Ví dụ: Các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn đều có nhiều sản phẩm trà để làm quà tặng, nhưng loại trà nào mang ra nước ngoài bán có lợi thế nhất thì cần tính toán lại.

Các doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để ra sân chơi lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của vùng cần kết nối với hệ thống bán lẻ của nước ngoài như AEON (Nhật Bản), hệ thống bán lẻ của Thái Lan để đưa sản phẩm của địa phương vào siêu thị.

Sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng, đồng thời tổ chức một số phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp vùng Trung du, miền núi phía Bắc với một số chuyên gia tư vấn, nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài.

Nhanhieuviet (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương - Link gốc)


.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn