7/17/2017 11:04:00 AM
.

Làm gì để giảm nhập siêu và tăng xuất khẩu vào Hàn Quốc?


Dù chỉ là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của nước ta nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Hàn Quốc đang rất cao, khiến nhập siêu từ Hàn Quốc lần đầu tiên vượt Trung Quốc. Vì vậy, rất cần nhiều nỗ lực để kéo giảm đà nhập siêu từ quốc gia này.

Nhập khẩu tăng 51,2% sau sáu tháng

Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm, kim ngạch NK hàng hóa từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ. Hàn Quốc hiện là thị trường NK lớn thứ hai của nước ta nhưng mức tăng trưởng kim ngạch NK cao nhất (thị trường NK lớn nhất là Trung Quốc có mức tăng 16,8%). Các mặt hàng NK lớn từ Hàn Quốc gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%... Với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, nước ta đang nhập siêu từ thị trường này 15,9 tỷ USD.

Phân tích về nguyên nhân nhập siêu cao từ Hàn Quốc, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết, không phải bây giờ ta mới rơi vào cảnh NK mạnh từ Hàn Quốc, mà kể từ khi Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam cách đây nhiều năm đã NK tương đối nhiều nguyên phụ liệu, hàng hóa từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, ngày càng nhiều tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai… đến đầu tư tại Việt Nam, làm gia tăng nhu cầu NK máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất. Hiện Hàn Quốc là đối tác có vốn FDI đăng ký vào Việt Nam lớn thứ hai của nước ta, tính đến sáu tháng đầu năm 2017.

Đơn cử, trong những tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn đầu tư để mở rộng dự án Samsung Display thêm 2,5 tỷ USD, làm phát sinh nhu cầu NK máy móc, nguyên phụ liệu. Thêm nữa, để có được kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Samsung cần NK một lượng lớn nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào từ các nước, trong đó có Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch NK từ Hàn Quốc tăng mạnh.

Bên cạnh đó, FTA mà nước ta ký với Hàn Quốc đang tạo điều kiện cho hàng loạt loại hàng hóa của quốc gia này vào Việt Nam như xăng dầu, nông sản, hàng tiêu dùng, rau quả… với giá cạnh tranh do mức thuế NK giảm mạnh. Chất lượng hàng Hàn Quốc NK tương đối tốt. Trong khi cả người tiêu dùng và DN đang có xu hướng thờ ơ với hàng hóa, nguyên phụ liệu xuất xứ từ Trung Quốc thì hàng hóa từ Hàn Quốc dễ dàng được lựa chọn để thay thế.

Cũng theo ông Lê Quốc Phương, điểm đáng chú ý là hàng hóa NK của Việt Nam từ Hàn Quốc chủ yếu là nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, như máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại và linh kiện, vải các loại... Đây là những mặt hàng có giá trị lớn. Còn ta xuất sang Hàn Quốc những mặt hàng như nông sản, thủy sản… có giá trị thấp hơn, nên gây ra tình trạng nhập siêu.

“Hiện việc NK từ quốc gia này để tái sản xuất phục vụ xuất khẩu là việc bình thường trong bối cảnh nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong khi công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển, nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng hóa chất lượng, giá phải chăng của các DN gia tăng, Hàn Quốc vẫn là thị trường tiềm năng của các DN”, ông Phương nói.

Nỗ lực giảm nhập siêu từ Hàn Quốc

Hiện tại, nhập siêu từ Hàn Quốc là không tránh khỏi, nhưng về lâu dài, giảm dần nhập siêu để cân bằng cán cân thương mại là yêu cầu bắt buộc.

Ông Lê Quốc Phương cho rằng, để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc, cần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam bằng cách đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu mặt hàng máy móc thiết bị. Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hơn nữa để vận động DN sản xuất các mặt hàng có sức cạnh tranh và người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng hàng tiêu dùng Việt, thay vì các mặt hàng NK từ nước ngoài.

Mặt khác, chúng ta cần nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, hàng Việt Nam xuất khẩu khó tiếp cận thị trường Hàn Quốc do chúng ta chưa vượt qua được các rào cản kỹ thuật phi thương mại từ phía họ. Nhiều yếu tố như chất lượng, an toàn, mẫu mã đều không đáp ứng được. Do đó, nếu muốn tăng xuất khẩu, không có cách nào khác là các DN phải nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với những mặt hàng ta đang có thế mạnh như nông sản, thủy sản, rau củ… Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, giúp các DN tìm cách tháo gỡ những khó khăn và kịp thời phổ biến các thông tin về thị trường Hàn Quốc tới DN để họ chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp.

Về phía Bộ Công thương, để tận dụng những cơ hội từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi từ FTA này, hướng tận dụng các ưu đãi từ FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); Áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng việc cấp C/O qua mạng Internet… để tạo điều kiện tối đa cho DN xuất khẩu.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se hồi tháng 3-2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng chủ động đề nghị phía Hàn Quốc áp dụng những giải pháp gỡ khó khăn về rào cản phi thương mại, từng bước cân bằng cán cân thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc.

Nhanhieuviet (Theo Nhân Dân)

Tin trong ngày
Các tin khác
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn