Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024, các ngành hàng xuất khẩu phải bám chắc các thị trường nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bám chắc thị trường trọng điểm
Dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% (tương ứng đạt 377 tỷ USD), với cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Mục tiêu này khá gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2024 tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, căng thẳng địa chính trị và rủi ro ở Biển Đỏ tiếp tục khiến xuất khẩu thêm bấp bênh.
Nhưng không khó để nhận ra, các thị trường quyết định lớn đến tăng trưởng xuất khẩu của nước ta vẫn là những điểm đến mà các ngành hàng xuất khẩu trong nước đang bám rất chắc chân. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN… tiếp tục giữ vai trò quyết định quan trọng đến tăng trưởng xuất khẩu của nước ta.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh, châu Âu, châu Mỹ vẫn là khu vực thị trường vô cùng quan trọng của Việt Nam, nhất là với các ngành hàng lớn như điện tử, giày dép, dệt may, đồ gỗ, nông sản…
Trong đó, 2023 là năm thứ 3 liên tiếp, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt ngưỡng 100 tỷ USD.
Dù kinh tế Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở nước này vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng. Hoa Kỳ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực.
Minh chứng rõ là năm qua, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Apple, Google, Boeing, Walmart… vẫn khẳng định tiếp tục đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.
Đặc biệt, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam và sự kiện nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện được đánh giá tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Ngoài châu Âu - châu Mỹ, khu vực thị trường Á - Phi cũng là điểm đến quan trọng của hàng xuất khẩu nước ta. Minh chứng, trong bức tranh thương mại tương đối ảm đạm của năm 2023, thì thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á - Phi vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.
Cụ thể, xuất khẩu sang khu vực Á - Phi đạt 183 tỷ USD, tương đương năm 2022, chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng như Trung Quốc (tăng 6,2%), Ấn Độ (tăng 7,8%),
Indonesia (tăng 13,8%), Trung Đông (tăng 13,5%), Châu Phi (tăng 4,%).
Kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp đã tận dụng được các cơ hội từ thị trường, từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện hành để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
“Trong khi xuất khẩu của Việt Nam ra các khu vực khác bị sụt giảm, thì xuất khẩu sang khu vực Á - Phi được giữ vững. Đây là cơ sở để hạn chế bớt sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 và là tiền đề cho các năm tới”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá.
Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
Nhiều tổ chức dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ tăng trưởng thấp hơn so với năm 2023. Trong khi đó, các thị trường này đều nâng chuẩn với hàng nhập khẩu. Do vậy, các nhà cung ứng hàng hóa tại Việt Nam phải tiếp tục nâng chuẩn cho hàng xuất khẩu, nếu không muốn bị tuột đơn hàng về tay các thị trường khác.
“Các nhà mua hàng lớn có xu hướng tìm kiếm nhà cung ứng gần để giảm thiểu chi phí. Động thái này diễn ra rõ hơn trong 2 năm qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn có lợi thế để kéo đơn hàng nhờ làm được các đơn hàng có tính kỹ thuật cao”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 nói.
Đối với Trung Quốc, cơ hội đang mở ra cho nhóm hàng nông sản của nước ta. Năm ngoái, trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 53 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc chiếm gần 12,2 tỷ USD.
Để thúc đẩy thương mại và hợp tác nông nghiệp, trung tuần tháng 1/2024, đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chuyến làm việc với các cơ quan chức năng và khảo sát thị trường tại Bắc Kinh và Quảng Đông (Trung Quốc).
Theo đó, Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Đơn vị chức năng hai bên phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm và sẵn sàng xử lý hồ sơ kỹ thuật bổ sung từ phía Việt Nam để mở thêm trái bơ nhập khẩu từ Việt Nam cùng nhiều sản phẩm của ngành chăn nuôi.
Năm ngoái, Trung Quốc chi 3,4 tỷ USD để nhập khẩu rau quả Việt Nam. Thời gian tới, nước này mở cửa thêm cho rau quả cấp đông, dừa tươi.
Tổng cục Thống kê vừa thực hiện cuộc khảo sát với các doanh nghiệp về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024. Theo đó, khoảng 24,6% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,8% số doanh nghiệp giữ ổn định và 28,6% doanh nghiệp giảm đơn hàng.
Báo cáo mới nhất vừa được Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore cho hay, kinh tế Việt Nam dự báo đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024, nhờ đà phục hồi của xuất khẩu.
“Rất nhiều nhà đầu tư rất lạc quan về Việt Nam và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam như điểm đến đầu tư hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Văn phòng AMRO nhận định.
Trong khi đó, VinaCapital dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi, từ mức giảm 4% năm 2023, lên mức tăng 7% năm 2024.
Tuy nhiên, với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và tiêu chuẩn của các thị trường ngày càng cao, các ngành xuất khẩu của Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh các cú sốc từ bên ngoài và nâng chuẩn cho hàng hóa để chắc chân trong chuỗi cung ứng.
Nhanhieuviet (Theo Báo đầu tư – link gốc)