Với sự bùng nổ không ngừng của khoa học và công nghệ, hiện nay vấn đề bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh, đang đối mặt với không ít thách thức khi thường xuyên bị đe dọa bởi các hình thức xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi và công khai trên không gian mạng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã luôn chú trọng về các quy định liên quan đến quyền tác giả, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền lợi đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao. Điều này không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ, mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, việc bảo vệ quyền tác giả đang đối mặt với vô vàn thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh, nơi mà các hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng trở nên tinh vi, công khai và khó kiểm soát trên không gian mạng.
Các hành vi xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh những năm qua diễn ra dưới các hình thức phổ biến: đối tượng xấu quay lén để chiếm đoạt nội dung tác phẩm sau đó đăng tải, chia sẻ trên các diễn đàn mạng; bị sao in lậu để phát tán hoặc kinh doanh thu lợi bất chính, gây tổn hại nặng nề cả về vật chất và tinh thần đối với chủ sở hữu…
Nhiều đạo diễn đã lên tiếng với việc phim của họ bị đăng tải lan tràn trên khắp các web lậu. Cụ thể, Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết nhiều bộ phim của ông vừa ra rạp vài ngày thì bản phim lậu đã phát tán tràn ngập trên mạng. Thiệt hại của người làm phim có thể thấy rất rõ ràng: thay vì đến rạp thưởng thức các bộ phim đang được công chiếu thì một số người lựa chọn cách ở nhà xem phim lậu miễn phí trên mạng. Nhà làm phim đầu tư biết bao công sức, tiền bạc cho một bộ phim nhưng khi phim phát tán rộng rãi trên các trang “web đen” thì coi như tác phẩm đã bị “cướp trắng”.
Không chỉ thế, rất nhiều người làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook watch, TikTok... nhằm mục đích kiếm tiền. Review phim là việc sử dụng bộ phim gốc để thực hiện hoạt động tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình và giải thích rõ hơn nội dung của bộ phim. Người xem chỉ cần xem các clip ngắn này là nắm rõ nội dung chính của bộ phim, không còn hấp dẫn để người xem bỏ chi phí xem trọn vẹn bộ phim nữa. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Đã có nhiều bộ phim hot của Việt Nam bị vi phạm bản quyền trắng trợn khiến nhà sản xuất "khóc ròng". Theo chia sẻ của nhà sản xuất bộ phim "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" Minh Hà, chỉ sau ít ngày ra mắt tại các cụm rạp, phim đã bị livestream tràn lan trên TikTok, Facebook. Cùng thời điểm, trên mạng xã hội TikTok đã xuất hiện hàng nghìn clip liên quan đến bộ phim "Con nhót mót chồng", trong đó đa số là vi phạm bản quyền. Trước đó, bộ phim "Chị chị em em 2", "Em và Trịnh", "Cô Ba Sài Gòn", "Lật mặt", "Gái già lắm chiêu V", "Tấm Cám: chuyện chưa kể", "Hai Phượng", "Bố già"… cũng "gặp hạn" khi có hàng trăm clip liên quan đến tác phẩm được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Mới đây, những bộ phim ăn khách như "Người vợ cuối cùng", "Đất rừng Phương Nam" cũng chịu chung số phận khi các đoạn video, clip ngắn lan tràn trên mạng xã hội.
Khó những vẫn phải làm
Đó là khẳng định của Luật sư Quản Văn Minh. Ông khẳng định: "Căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta có đầy đủ các quy định, chế tài để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền tùy từng mức độ theo các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, thậm chí cả biện pháp hình sự".
Ông cho rằng, điều quan trọng để đưa ra các cơ chế xử lý các dịch vụ vi phạm, người xử lý phải biết các dịch vụ xâm phạm và những dịch vụ gì, sau đó đưa ra các giải pháp. Ở đây, các đối tượng cung cấp các dịch vụ xâm phạm thường qua các website tên miền quốc tế và các dịch vụ ẩn giấu thông tin hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn.
Vậy giải pháp nào để bảo vệ bản quyền phim ảnh trên internet?
Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, hợp tác, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức viên chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi trong đấu tranh, phòng chống các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh.
Xem xét việc chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu cũng là một biện pháp hữu hiệu để chống vi phạm bản quyền trên không gian mạng bởi doanh thu chính của các trang web lậu đến từ tiền quảng cáo. Biện pháp này đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Anh,… thực hiện khá hiệu quả. Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng, đáp ứng sự phát triển công nghệ và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam
Về phía các chủ thể có quyền, lợi ích chính đáng đối với tác phẩm điện ảnh cần nâng cao nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Khi tác phẩm điện ảnh bị xâm hại, khai thác trái phép, các chủ thể hợp pháp cần có biện pháp đấu tranh phù hợp và kiên quyết
Mong người xem có ý thức tôn trọng bản quyền
Nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện trên các lĩnh vực. Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” năm 2024 được triển khai đồng bộ; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức ngành VH,TT&DL tham gia phòng ngừa, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet, nâng cao năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng.
Bộ VH,TT&DL cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2024 và thành lập 35 đoàn thanh tra, trong đó 6 đoàn thanh tra hành chính, 29 đoàn thanh tra chuyên ngành. Từ đầu năm đến nay, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan…, với tổng số tiền xử phạt hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó là yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm (chương trình máy tính) dưới hình thức điện tử; tiêu hủy bản ghi âm fever, tháo gỡ bản ghi âm fever trên môi trường mạng và kỹ thuật số, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp…
Để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo chắc chắn cần có sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các ngành, nhưng có lẽ trên hết vẫn là ý thức của người xem. Các nhà sản xuất, phát hành mong mỏi người xem có ý thức tôn trọng bản quyền, bởi khán giả xem phim “chính chủ”, “tẩy chay” phim lậu là cách cổ vũ cho những nhà làm phim sáng tạo thực hiện những bộ phim hay, có giá trị về nghệ thuật cũng như chất lượng, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam phát triển.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)