Trong kỷ nguyên số, Internet đã mở ra cơ hội lớn cho nghệ sĩ đưa sản phẩm đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, môi trường này đã dấy lên nguy cơ xâm phạm bản quyền một cách tràn lan.
Tầm quan trọng của bản quyền âm nhạc trên môi trường Internet
Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), trong năm 2024 (tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2014), tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà VCPMC đã thu (chưa VAT) là: 393.063.879.166 đồng, tăng 14,2% so với năm 2023.
Bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.
Bản quyền âm nhạc là lá chắn đảm bảo cho nghệ sĩ được tôn vinh và hỗ trợ về mặt kinh tế. Góp phần giúp nghệ sĩ có thể tiếp tục sáng tạo, các nhà đầu tư và nhà sản xuất có động lực để phát triển. Ngoài việc bảo vệ quyền lợi cá nhân, bản quyền còn khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật. Khi các sản phẩm được bảo vệ một cách hợp pháp, các nghệ sĩ sẽ có động lực tạo ra những sản phẩm âm nhạc mới, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa và nghệ thuật của xã hội.
Việc thực thi bản quyền âm nhạc cũng góp phần xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công nghiệp giải trí lớn. Các nền tảng phát trực tuyến như Spotify, YouTube hay Apple Music phải đóng góp các quy định về bản quyền, đảm bảo chia sẻ doanh thu công bằng với chủ sở hữu.
Thực trạng xâm phạm bản quyền âm nhạc trên Internet
Với sự phát triển của công nghệ số, các tác phẩm âm nhạc dễ dàng được sao chép, phát tán trái phép trên nền tảng mạng xã hội, trang web và ứng dụng. Người dùng có thể tải xuống hoặc chia sẻ các bản nhạc mà không cần phải trả phí hay xin phép, gây nguy hại nghiêm trọng đến quyền lợi của các nghệ sĩ và nhà sản xuất.
Một trong những hình thức phổ biến của hành vi xâm phạm, sử dụng bản quyền là việc tải xuống và chia sẻ trái phép các bài hát thông qua các trang web, ứng dụng phát nhạc "lậu". Những nền tảng này cung cấp các bản nhạc miễn phí mà không trả phí bản quyền, người dùng dễ dàng tìm kiếm, tải về các bài hát mới mà không cần phải trả bất kỳ chi phí nào, từ đó gián tiếp hỗ trợ các hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc. Nhiều người không nhận thức được rằng hành động tải nhạc miễn phí, chia sẻ bài hát hoặc sử dụng trong các video mà không được phép là vi phạm luật.
Ngoài ra, việc đăng tải trái phép các bài hát trên mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ video như YouTube, TikTok cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Dù các nền tảng đã phát triển hệ thống giám sát để phát hiện nội dung vi phạm, nhưng không thể kiểm soát hết những video sử dụng âm nhạc không có bản quyền.
Các hình thức vi phạm bản quyền phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến
Thông tin từ VCPMC, hàng loạt chương trình vi phạm bản quyền đang trong quá trình xử lý xâm phạm theo thủ tục tố tụng, điển hình một số trường hợp: Mây Lang Thang (trên 300 chương trình vi phạm), Lululola (trên 200 chương trình vi phạm), …
Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cà phê, khách sạn (sử dụng nhạc nền): Hiện nay còn rất nhiều đơn vị vẫn né tránh thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả, mặc dù VCPMC đã nỗ lực liên hệ, giải thích, thuyết phục, cung cấp các thông tin pháp luật có liên quan tại Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2022) và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ với các quy định mới về thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong trường hợp giới hạn quyền và quy định về mức tiền bản quyền tại Phụ lục của Nghị định.
Lĩnh vực truyền hình trả tiền: Hiện nay hầu hết các đơn vị đều đang trì hoãn việc thực hiện, đưa ra nhiều vấn đề cho rằng còn vướng mắc cần chờ Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam và cơ quan nhà nước giải quyết. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả của nhiều đơn vị truyền hình trả tiền đã kéo dài, trì trệ nhiều năm nay, thậm chí một số đơn vị chưa từng trả một đồng nào cho VCPMC trong suốt những năm qua trong khi vẫn điềm nhiên sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên VCPMC từ năm này qua năm khác. Hiện VCPMC đang tiến hành khởi kiện một số đơn vị truyền hình trả tiền sau nhiều năm, nhiều lần đàm phán, thuyết phục nhưng không thành.
Giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền âm nhạc theo VCPMC
Thứ nhất, cần bổ sung quy định phải có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm trong chương trình biểu diễn.
Thứ hai, tăng cường xử phạt vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm giáo dục, răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm; tăng cường rà soát vi phạm, khởi kiện hành vi xâm phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phô biên pháp luật, kết hợp vận động, thuyết phục, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nghĩa vụ về bản quyền.
Hướng đi bền vững cho ngành âm nhạc Việt Nam trong việc bảo vệ bản quyền
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, VCPMC là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CISAC. Tính đến tháng 8/2024, Trung tâm đã ký hợp đồng song phương với 88 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới. Các tác phẩm của tác giả là thành viên Trung tâm được cấp phép, thu tiền ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6.400 tác giả trong nước và hơn 5 triệu tác giả âm nhạc trên thế giới.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành âm nhạc Việt Nam, bảo vệ bản quyền trên môi trường Internet cần được triển khai đồng bộ với các chính sách quản lý hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ khi bản quyền được bảo vệ vững chắc, ngành âm nhạc Việt Nam mới có thể phát triển mạnh mẽ, công bằng và bền vững trong thời đại số.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)