
Đây là bước đi mang tính giải phóng – vừa về mặt thể chế, vừa về mặt tài sản – cho khoa học công nghệ Việt Nam.
Trả kết quả nghiên cứu về đúng tay người làm ra
Trước đây, phần lớn kết quả nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ đều thuộc sở hữu của… Nhà nước. Điều này dẫn tới thực tế: hàng ngàn công trình, mô hình, quy trình kỹ thuật sau nghiệm thu chỉ được lưu trong tủ hồ sơ, không thể chuyển giao, không rõ đơn vị quản lý, cũng không ai được khai thác thương mại vì… chưa có quyền.
Luật mới trao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì (trường, viện, doanh nghiệp…) nếu cam kết sử dụng, thương mại hóa hoặc tái đầu tư vào nghiên cứu tiếp theo. Như vậy, người nghiên cứu có thể lập doanh nghiệp spin-off, chuyển giao công nghệ, góp vốn bằng tài sản trí tuệ, huy động vốn xã hội, mà không cần qua xin – cho, phê duyệt rườm rà.
Đây chính là yếu tố cốt lõi để hình thành thị trường kết quả nghiên cứu – nơi tri thức được coi là hàng hóa có giá trị.
Tạo động lực cho viện – trường trở thành trung tâm đổi mới
Việc trao quyền sở hữu không chỉ giúp thương mại hóa tài sản, mà còn tạo động lực thực sự cho các đơn vị nghiên cứu chủ động theo đuổi đề tài có tính ứng dụng, sát thực tiễn. Viện – trường không còn làm khoa học chỉ để nghiệm thu, mà để tạo sản phẩm, tạo doanh nghiệp, tạo ảnh hưởng xã hội.
Cơ chế này cũng mở lối để kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo mô hình “tam giác vàng”: nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp.
Phát triển tài sản trí tuệ nội địa – nâng sức cạnh tranh quốc gia
Khi các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp bắt đầu sở hữu khối lượng lớn kết quả nghiên cứu – được pháp luật bảo hộ – thì đó chính là nền tảng của tài sản trí tuệ quốc gia. Các sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới, quy trình sản xuất… sẽ không còn bị bỏ quên mà trở thành nguồn vốn vô hình để Việt Nam cạnh tranh bằng công nghệ.
Đây cũng là cách để giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, từng bước xây dựng “nội lực công nghệ” bằng chính trí tuệ Việt Nam.
Khi người làm ra sản phẩm được quyền sở hữu sản phẩm, thì sáng tạo mới có giá trị thực sự. Luật mới đã tháo khóa – và mở cánh cửa lớn cho khoa học bước ra thị trường.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)