3/26/2025 9:01:00 AM
.

Hàn Quốc: Lợi nhuận ngành thương mại bản quyền tăng năm thứ 12 liên tiếp


Theo Korea.net, nhờ vào sự lan rộng của làn sóng Hallyu trên thế giới, lợi nhuận thương mại bản quyền thương mại Hàn Quốc đã tiếp tục báo lãi năm thứ 12 liên tiếp.

Theo Korea.net, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST), cán cân thương mại bản quyền năm 2024 của nước này đã ghi nhận mức thặng dư 3,36 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2023.

Theo ngành, cán cân thương mại cho bản quyền về nghiên cứu & phát triển (R&D) và phần mềm đã thặng dư 2,84 tỷ USD, còn bản quyền cho nội dung văn hóa và nghệ thuật như âm nhạc và video đạt thặng dư cán cân thương mại 520 triệu USD.

Bộ VHTTDL Hàn Quốc cho biết: “Bản quyền là nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật và nội dung. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra luật pháp, chế độ liên quan cũng như chính sách bảo vệ bản quyền ở nước ngoài”.

Theo biz.chosun.com, một viện nghiên cứu quốc gia tại Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất tăng cường bảo vệ bản quyền và đa dạng hóa các khu vực xuất khẩu để thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung văn hóa Hàn Quốc (K-content).

Trong một báo cáo "Phân tích các đặc điểm và yếu tố tăng trưởng của K-content" được Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố mới đây nhận đinh: "ngành công nghiệp nội dung văn hóa đang phát triển nhanh chóng thông qua việc cải thiện chất lượng nội dung, phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số và mở rộng mạng lưới giữa các tập đoàn, khẳng định vị thế là động lực tăng trưởng quốc gia tạo ra hiệu ứng thúc đẩy sản xuất đáng kể".

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp K-content đạt 12,45 tỷ đô la vào năm 2021. Ngành công nghiệp K-content đã lập kỷ lục mới hàng năm kể từ khi bắt đầu thu thập số liệu thống kê. Xét đến kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp nội dung là 3,23 tỷ đô la vào năm 2010, con số này thể hiện mức tăng trưởng gấp bốn lần chỉ trong hơn 10 năm.

Kim ngạch xuất khẩu ròng của ngành công nghiệp nội dung của Hàn Quốc cũng được đánh giá là đã ghi nhận mức tăng lớn và đóng góp vào giá trị thặng dư trong cán cân thương mại về quyền sở hữu trí tuệ khi sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài giảm và năng lực sản xuất được tăng cường.

Ngành công nghiệp nội dung có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều ngành công nghiệp khác nhau tạo nên hệ sinh thái CPND (content - nội dung, platform - nền tảng, network - mạng lưới, device - thiết bị).

Ví dụ, các dịch vụ khoa học và kỹ thuật chuyên biệt nâng cao chất lượng nội dung bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như hiệu ứng đặc biệt hoặc mô hình 3D và hỗ trợ cung cấp video độ nét cao trên các nền tảng phát trực tuyến. Ngoài ra, các ngành công nghiệp máy tính, điện tử và thiết bị quang học cung cấp các thiết bị thiết yếu như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy chơi game, giúp mọi người thưởng thức nội dung trong nhiều môi trường khác nhau.

Xét đến tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu ứng thúc đẩy sản xuất cao, nhóm nghiên cứu đã đánh giá rằng ngành công nghiệp nội dung đã khẳng định được vị thế là động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Để đảm bảo ngành công nghiệp nội dung này tiếp tục tăng trưởng, nhóm nghiên cứu đã kêu gọi tăng cường bảo vệ bản quyền và cải thiện phản ứng đối với hành vi vi phạm.

Lee Jin-guk, một nhà nghiên cứu cấp cao tại KDI, cho biết: "Gần đây, tình trạng sao chép bất hợp pháp và phân phối không chính thức vẫn đang diễn ra, chủ yếu là trực tuyến. Để hạn chế các hành vi vi phạm, điều cần thiết là phải tăng khả năng phát hiện hoặc tăng cường hình phạt".

Nhận định các vấn đề vi phạm bản quyền đang phát sinh nhiều ở nước ngoài khi nội dung K-content lan rộng ra toàn cầu, do đó, chuyên gia này khuyến nghị cần phải tăng cường năng lực thực thi bản quyền và điều tra ở nước ngoài và thiết lập một hệ thống phối hợp chặt chẽ với các quốc gia nhập khẩu K-content để gia tăng hiệu quả bảo vệ tài sản trí tuệ tại chỗ.

Việc đa dạng hóa các khu vực xuất khẩu cũng được đề xuất. Mặc dù xuất khẩu nội dung của Hàn Quốc đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu tập trung ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Đông Nam Á và Nhật Bản. Do đó, cần tích cực hỗ trợ các tập đoàn thâm nhập thị trường nước ngoài. Điều này sẽ không chỉ dừng lại ở công tác hỗ trợ sản xuất mà còn bao gồm việc phân tích chặt chẽ mô hình tiêu thụ nội dung, quy định pháp lý và đặc điểm văn hóa ở từng khu vực, thiết lập hệ thống hỗ trợ toàn diện bao gồm hỗ trợ dịch thuật, tăng cường tiếp thị địa phương và đáp ứng các quy định".
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn