3/27/2025 9:07:00 AM
.

Sử dụng AI để vi phạm bản quyền đang lan rộng


Sử dụng AI - trí tuệ nhân tạo hoặc trực tiếp sao chép, cắt ghép, chỉnh sửa nội dung các chương trình truyền hình để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội hay cóp nhặt tin tức trên các báo điện tử ngày càng phổ biến.

Theo các chuyên gia, việc bảo vệ bản quyền trên không gian mạng là một thách thức với các cơ quan chức năng. Do đó ngoài việc tận dụng AI để phát hiện vi phạm, bảo vệ bản quyền, các cơ quan chức năng cần bổ sung, điều chỉnh các điều luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền kỹ thuật số, trong đó nhấn mạnh khía cạnh AI.

Vi phạm ngày càng tinh vi với AI

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hình thức vi phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng tinh vi hơn. Nhiều chủ tài khoản, kênh trên mạng xã hội đã tự ý sao chép nội dung từ báo, đài, rồi sử dụng AI để chỉnh sửa, cắt ghép, đăng tải lại để kiếm tiền từ quảng cáo, bán sản phẩm.

Đáng lưu ý, nhiều cá nhân vi phạm đã sử dụng công nghệ AI để tự động lấy cắp. Từ video gốc, các chủ tài khoản có thể tạo ra hàng loạt các video cắt ghép, chỉnh sửa nhằm chống lại công cụ rà quét bản quyền của các nền tảng mạng xã hội. Chỉ trong năm 2024, Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV) đã đánh chặn và xử lý trên 43.000 trường hợp vi phạm bản quyền, yêu cầu gỡ bỏ và hạn chế nhiều kênh vi phạm lớn.

Không chỉ vậy, hàng loạt trận bóng đá có bản quyền phát sóng truyền hình tại Việt Nam được công chúng quan tâm cũng đang bị nhiều cá nhân, tổ chức, trang tin phát lậu, cắt ghép clip để phục vụ mục đích hút view, đăng tải quảng cáo để trục lợi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Xuân Hoài - phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - cho hay với công nghệ AI, việc tạo ra một video rất thuận lợi, dễ dàng. Những sản phẩm nội dung số đã có trước hoàn toàn có thể sử dụng AI để sao chép, biên tập, chỉnh sửa, điều chỉnh để tạo một sản phẩm mới, phục vụ cho nhu cầu, mục đích riêng của đối tượng vi phạm.

Theo ông Trịnh Nguyễn Thiên Phước - giám đốc công nghệ Công ty Gianty Việt Nam, những hành vi này không chỉ làm tổn thất đáng kể cho nhà sản xuất, đài truyền hình và tổ chức thể thao mà còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường nội dung số. Tuy nhiên việc phát hiện và ngăn chặn các vi phạm này gặp nhiều khó khăn.

Bởi lẽ AI không chỉ hỗ trợ việc sao chép dễ dàng mà còn có thể "ngụy trang" nội dung nhờ tạo ra các biến thể rất khó phân biệt. Đối với hình ảnh, video, âm thanh hay văn bản, các tín hiệu "giả mạo" được xử lý thông minh khiến con người khó phát hiện bằng mắt thường hoặc thẩm định thủ công.

Hơn nữa một đoạn nội dung bị vi phạm xuất hiện có thể được chia sẻ ồ ạt trên mạng xã hội, các trang web chia sẻ tệp tin, khiến việc gỡ bỏ hay xác định nguồn gốc trở nên vô cùng phức tạp.

"Ngoài ra, nhiều bên sở hữu bản quyền thường có cách quản lý dữ liệu riêng, chưa có "thư viện" hoặc nền tảng thống nhất để AI quét và đối chiếu. Điều này tạo ra kẽ hở, bởi khi không có sự kết nối đủ chặt chẽ, thông tin về các sản phẩm, tác phẩm gốc dễ bị bỏ sót", ông Phước nói.

Dùng AI để phát hiện vi phạm, bảo vệ bản quyền?

Để phát hiện và xử lý các vi phạm bản quyền AI, theo ông Phước, trước tiên nên áp dụng các công nghệ nhận diện và AI Safety (AI an toàn). Một số công nghệ có thể áp dụng như: Watermark và Fingerprint (cả dạng hiển thị và ẩn) để "đánh dấu" video, âm thanh, văn bản.

Kết hợp với kỹ thuật "fingerprinting" để tạo dấu vân tay số, giúp AI phát hiện các phiên bản bị sao chép. Cơ chế phòng thủ từ đầu thay vì chỉ phát hiện sai phạm ở khâu cuối, khuyến khích cộng đồng AI và các start-up tham gia phát triển công cụ nguồn mở giúp theo dõi, kiểm chứng nội dung.

Trong khi đó ông Hoài cho rằng các cá nhân, tổ chức cũng hoàn toàn có thể ứng dụng AI để bảo vệ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm trên không gian mạng. Với những nội dung chỉ sử dụng một phần, có chỉnh sửa chút xíu vẫn đăng tải được, trừ trường hợp người đăng tải lần đầu có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

"Ví dụ, nhiều đoạn Highlight các trận bóng đá hay clip trích đoạn chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV vẫn bị sao chép, đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Về mặt kỹ thuật có thể lọc và yêu cầu không đăng tải. Vấn đề đặt ra là tổ chức sở hữu sản phẩm gốc có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hay không", ông Hoài nói.

Ông Nguyễn Vũ Anh - tổng giám đốc Cốc Cốc (sở hữu trình duyệt Cốc Cốc) - cũng cho rằng AI đang bị lợi dụng để vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi, từ deepfake đến sao chép nội dung dưới nhiều hình thức. Nhưng AI cũng là công cụ mạnh mẽ giúp phát hiện và ngăn chặn các vi phạm này.

Cụ thể, AI có thể nhận diện nội dung qua nhiều dạng dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, văn bản...), so sánh với nội dung gốc để phát hiện vi phạm ngay cả khi nội dung đó đã bị chỉnh sửa. Công nghệ watermarking và fingerprinting AI giúp truy vết và xác thực nội dung. AI cũng có thể phát hiện deepfake bằng cách phân tích chuyển động hình ảnh, ánh sáng hoặc âm thanh.

Các mô hình như DetectGPT cũng giúp xác định nội dung do AI tạo ra, hạn chế việc lạm dụng. Đặc biệt AI hỗ trợ kiểm duyệt bản quyền tự động, giúp quét và gỡ bỏ nội dung vi phạm nhanh chóng, giảm áp lực cho đội ngũ kiểm duyệt.

"Ngoài công nghệ cần có sự phối hợp giữa các nền tảng, cơ quan quản lý và các đơn vị sản xuất nội dung, các nhà sáng tạo nội dung để xây dựng kho dữ liệu bản quyền chung. Đặc biệt, cần xem xét bổ sung các quy định về trách nhiệm pháp lý với các nền tảng mạng xã hội trong việc kiểm duyệt, phát hiện và ngăn chặn các nội dung vi phạm bản quyền. Đồng thời cần yêu cầu gắn nhãn để phân biệt nội dung tạo bởi AI", ông Vũ Anh đề xuất.
Nhanhieuviet (Theo Tuổi trẻ - Link gốc)

.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn