7/9/2024 3:57:00 PM
.

Xuất khẩu tỉ đô với trái cây tươi


Xuất khẩu rau quả đang được kỳ vọng có thể lập thêm kỷ lục mới trong năm nay, với kim ngạch đạt mốc 7 tỉ USD, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ vựa trái cây vùng ĐBSCL.

Trong tháng 6-2024, theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 780 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm lên 3,5 tỉ USD, rau quả giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản.

Xuất khẩu trái cây tươi tăng mạnh

Ông Nguyễn Minh Hiền - giám đốc Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang - cho biết hàng tuần hợp tác xã này đều xuất khẩu xoài tượng và xoài hạt lép đi Úc và New Zealand. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xuất khẩu trên 200 tấn xoài các loại.

Theo ông Hiền, sản lượng xuất khẩu năm 2024 tăng nhiều hơn 30% so với cùng kỳ. Hợp tác xã chính thức có 35 thành viên, còn liên kết được 243 thành viên, sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm, chủ yếu là xoài tượng xanh và xoài hạt lép. Sắp tới, sản lượng xuất khẩu có thể sẽ tăng thêm nữa.

"Năm nay xuất khẩu xoài ngày càng tăng nên nông dân phấn khởi lắm. Tuần nào cũng xuất khẩu từ 6 - 13 tấn xoài nên ai cũng vui. Khách hàng đánh giá cao chất lượng xoài của các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm nhiều thị trường để tránh tình trạng xoài được mùa rớt giá", ông Hiền nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - tổng giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) - cho hay những tháng đầu năm 2024, sản lượng trái cây và rau quả xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng hơn 60% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sự ổn định của vùng nguyên liệu xoài keo, xoài Đài Loan...

Công ty Antesco đã liên kết vùng nguyên liệu hơn 10.000ha để trồng xoài và cây ăn trái. Từ đầu năm đến nay, Antesco đã xuất khẩu trên 20.000 tấn xoài các loại ra các nước trên thế giới. Thị trường chính của Antesco là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật...

"Nếu các doanh nghiệp chủ động đầu ra thì đà phát triển này sẽ giữ cho hết năm nay. Riêng Antesco đã chủ động từ cuối năm 2023 về đầu ra nên doanh số trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng hơn 30 - 40%", ông Minh nói.

Theo ông Minh, do nhu cầu thế giới ngày càng cao, do bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị giữa các nước và biến đổi khí hậu nên nhu cầu cây ăn trái và lương thực tăng cao. "Bây giờ trái cây, rau củ quả của Việt Nam và Thái Lan đang hưởng lợi khi thị trường thế giới có nhu cầu lớn", ông Minh nói.

Sau sầu riêng, kỳ vọng trái dừa tươi

Giữa trưa nắng một ngày đầu tháng 7-2024, ông Lê Văn Mãnh (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) tranh thủ rải những bao vôi, bao lân cuối cùng để hạ phèn cho vườn sầu riêng hơn 8 công (8.000m2) của mình.

Trước đó, do ảnh hưởng của hạn mặn nên vườn sầu riêng của ông Mãnh bị thiếu nước, suy cây. Những cơn mưa đầu mùa cũng kích thích phèn xì lên, ảnh hưởng cây nên ông phải rải vôi và lân để xử lý.

Vườn sầu riêng là nguồn sống của cả gia đình ông Mãnh. Sau mỗi đợt hạn mặn, ông lại phải tốn rất nhiều tiền của để phục hồi cây, nhưng lần này ông Mãnh tin tưởng vào sự phục hồi của vườn sầu riêng cũng như lợi nhuận mang lại.

"Bây giờ trái sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên giá cả ổn định, tôi cũng an tâm đầu tư hơn. Không còn sợ cạnh được mùa mất giá như trước", ông Mãnh nói.

Không chỉ ông Mãnh, những ngày này đi nhiều nơi ở miền Tây, đặc biệt là các vùng chuyên canh cây sầu riêng, người dân đang háo hức chuẩn bị một vụ mới. Hầu hết thời điểm này các nhà vườn đang đậy gốc, cắt nước để xử lý ra hoa tạo sầu riêng nghịch vụ.

Bởi hầu hết các nhà vườn đang rất hy vọng vào loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong nhóm rau quả xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng tháng 5-2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 450 triệu USD - tăng 107% so với tháng trước và tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một loại trái cây khác cũng góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu cho nhóm rau củ khác trong những năm qua là dừa. Đặc biệt, dự kiến năm nay loại trái cây này có thể góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu khi trái dừa uống nước sẽ được chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, trung bình hàng năm ngành dừa chế biến xuất khẩu đạt giá trị 300 triệu USD. "Khi trái dừa tươi được xuất khẩu chính thức, con số này sẽ tăng thêm", ông Đức khẳng định.
Nhanhieuviet (Theo Báo Tuổi trẻ - Link gốc)


.
.
.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn