Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp chứng nhận bản quyền nhãn hiệu “Thành Tuyên FESTIVAL” theo Quyết định số 105161/QĐ-SHTT ngày 05/9/2024.
UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc đăng ký bảo hộ thành công chứng nhận nhãn hiệu cho Lễ hội Thành Tuyên sẽ góp phần quan trọng trong công tác quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu của lễ hội.
Theo kế hoạch, tại chương trình Đêm hội Thành Tuyên, tổ chức vào tối 14/9 tới đây, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ trao bản quyền nhãn hiệu Lễ hội Thành Tuyên cho tỉnh Tuyên Quang.
Trải qua 20 năm được nhân dân sáng tạo và duy trì, phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: "Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam"; "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam"; "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam".
Năm 2024 là năm thứ hai tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Chương trình Đêm hội Thành Tuyên 2024 tiếp tục là một lễ hội Trung thu độc đáo, đặc sắc, hoành tráng, lớn nhất cả nước với hơn 100 mô hình đèn Trung thu khổng lồ, lung linh, rực rỡ sắc màu, mô phỏng các nhân vật trong thế giới cổ tích, huyền thoại hoặc trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, được nhân dân rước qua các tuyến phố vào buổi tối, liên tục từ giữa tháng Bảy đến hết rằm tháng Tám âm lịch.
Bên cạnh các nội dung điểm nhấn, Tuyên Quang tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2024; chương trình "Điện ảnh với xứ Tuyên"; hội chợ thương mại - du lịch tỉnh Tuyên Quang; chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” và Lễ hội bia Hà Nội; các giải thể thao và nhiều hoạt động hưởng ứng của các huyện, thành phố…
Trong dịp này, tỉnh Tuyên Quang cũng sẽ tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện do UBND tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL cùng các tỉnh: Trà Vinh, Đắk Nông, Phú Yên, Thừa Thiên Huế và Bắc Ninh.
6 di sản được trình diễn trong dịp này đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Đờn ca tài tử; nghệ thuật Bài chòi; Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng; Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát then, đàn tính.
Ngoài ra, sẽ có một số di sản của nước ngoài cũng tham gia sự kiện này.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)