12/17/2024 9:06:00 AM
.

Sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới: Chủ động thích ứng, bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu


Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các FTA thế hệ mới đã đặt ra một chuẩn mực bảo hộ hoàn toàn mới, vượt xa so với các hiệp định trước đây. Điều này vừa là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu, vừa là thách thức đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng.

Cam kết về sở hữu trí tuệ quy định tại các FTA thế hệ mới ở mức độ cao và toàn diện

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế quan trọng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hay ASEAN... Việt Nam cũng đã ký kết nhiều FTA với các đối tác trên thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã ký kết 17 FTA với các nền kinh tế trên thế giới. Nổi bật là khi ký kết và thực thi 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Tăng trưởng đến các thị trường FTA của Việt Nam những năm qua đều duy trì 2 con số, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới có FTA cũng rất ấn tượng.

Thực thi có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.

Tại FTA thế hệ mới, những cam kết chặt chẽ hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quy định so với các cam kết tương ứng trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để bảo vệ các sáng tạo của mình và nâng cao giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ; đồng thời, đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng.

Các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTA là lá chắn bảo vệ đắc lực cho các sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, giúp ngăn chặn hành vi làm giả, hàng nhái, bảo vệ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các FTA thế hệ mới đã đơn giản hóa đáng kể thủ tục đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cho phép doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình theo hình thức trực tuyến hoàn toàn, nhanh chóng và minh bạch. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường tính công bằng trong quá trình xét duyệt. Các FTA thế hệ mới đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tại các nước thành viên, bao gồm cả việc phản đối hoặc đưa ra ý kiến đối với các đơn đăng ký đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nộp ở nước thành viên các FTA.

Bên cạnh đó, cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ và hiệu quả không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ trong nước và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là công nghệ cao. Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể làm gia tăng chi phí bản quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới. Ở cấp độ quản lý, việc thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía Nhà nước, bao gồm việc cải cách hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi về sở hữu trí tuệ; đồng thời, đầu tư từ hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ mới, đồng thời nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Xây dựng thương hiệu đáp ứng các quy định về sở hữu trí tuệ

Để thành công trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp không chỉ cần sản phẩm chất lượng mà còn phải sở hữu một thương hiệu mạnh, được bảo hộ hợp pháp tại các quốc gia mà doanh nghiệp muốn thâm nhập, đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước thành viên các FTA. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là đầu tư lâu dài, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trong thời gian dài, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Hiện nay, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được những thương hiệu mạnh mẽ và được người tiêu dùng trong nước tin tưởng thì khi ra thị trường quốc tế, họ lại đối mặt với tình trạng vô danh và thậm chí bị đối thủ cạnh tranh cướp mất thương hiệu. Theo nguyên tắc quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ tại quốc gia mà nó được đăng ký. Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam không tự động mang lại quyền bảo hộ tại các nước khác. Sự mơ hồ về quy định bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thị trường quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh mất cơ hội bảo vệ thương hiệu của mình, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ nhãn hiệu (hay chỉ dẫn địa lý) của doanh nghiệp có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước khác và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.

Một trong những rào cản lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chi phí, đặc biệt khi mở rộng sang thị trường quốc tế. Tuy nhiên, so với chi phí tốn kém để giải quyết tranh chấp và giành lại thương hiệu khi bị xâm phạm, thì chi phí đăng ký ban đầu chỉ là một phần rất nhỏ.

Các ý tưởng sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ là những tài sản vô hình vô cùng quý giá, góp phần tạo nên giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các FTA thế hệ mới đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường và tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

Chủ động thích ứng với cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ quy định tại các FTA thế hệ mới

Các FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn trên thế giới, song cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Do đó, cùng với việc không ngừng đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực công nghệ, việc xây dựng và phát triển một hệ thống quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả là vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp bảo vệ thành quả lao động, nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường.

Các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thị trường để phát hiện sớm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các trường hợp sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự, nhằm bảo vệ danh tiếng và uy tín của thương hiệu; từ đó, đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả mạo về nhãn hiệu. Song song với đó, doanh nghiệp vẫn cần duy trì kết hợp hài hòa giữa việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nói chung và một số thị trường đặc thù nói riêng như các quy định về chứng chỉ Halal xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng hiện tại mà còn thu hút thêm nhiều khách hàng mới.

Bên cạnh đó, để duy trì sự tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp cần không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời gắn kết chặt chẽ với chiến lược xây dựng thương hiệu. Điều này giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần chủ động đưa các hoạt động sở hữu trí tuệ vào chiến lược kinh doanh của mình, từ việc tạo lập, đăng ký, bảo vệ đến khai thác các tài sản trí tuệ. Để tối ưu hóa việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên thông qua các hoạt động đào tạo, đồng thời chủ động hợp tác với các cơ quan, tổ chức chuyên môn như cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, hiệp hội, đơn vị tư vấn… để cập nhật thông tin và nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong nội dung sở hữu trí tuệ.
Nhanhieuviet (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương - Link gốc)

.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn