7/3/2025 10:57:00 AM
.

Thương hiệu AI Việt: Hướng đi từ thị trường ngách


Thị trường ngách và bài toán nội địa đang mở ra hướng đi riêng để xây dựng thương hiệu AI Việt mang bản sắc, khả thi và bền vững.

Nền móng của một giấc mơ công nghệ Việt

Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 được tổ chức mới đây, khi ông Nguyễn Tử Quảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, tự tin tuyên bố: “Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra DeepSeek hay một mô hình nền tảng giống GPT của riêng mình”, nhiều người lặng đi không phải vì hoài nghi, mà vì cảm nhận rõ sức nặng của khát vọng này. Khát vọng xây dựng một thương hiệu AI mang dấu ấn Việt, không chỉ là hành trình công nghệ, mà là câu chuyện của chủ quyền ngôn ngữ, văn hóa và tương lai quốc gia trong kỷ nguyên số.

Theo ông Quảng, dấu chân người Việt trong hành trình chinh phục AI toàn cầu không hề mờ nhạt. Nhiều nhà khoa học gốc Việt đã góp phần phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), những công nghệ cốt lõi đứng sau những sản phẩm đình đám như ChatGPT. Trong nước, nhiều ứng dụng AI tiếng Việt đã được triển khai, từ chatbot, tổng hợp giọng nói đến phân tích văn bản. Một số nhóm nghiên cứu đã bước đầu huấn luyện mô hình ngôn ngữ riêng cho tiếng Việt, dù phần lớn vẫn dựa vào các mô hình nguồn mở quốc tế.

Tuy nhiên, để tạo ra một GPT “made in Vietnam” không phải là chuyện của một ngày hay vài năm. Đó là hành trình dài, đòi hỏi dữ liệu ngôn ngữ sạch và quy mô lớn, hạ tầng tính toán mạnh, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao và một thị trường đủ lớn để mô hình tồn tại bền vững. Quan trọng hơn cả, đó là sự dẫn dắt chiến lược của Nhà nước trong vai trò “kiến trúc sư trưởng”, quy hoạch hạ tầng, dữ liệu, chính sách và cơ chế thử nghiệm, bảo đảm AI phát triển có trách nhiệm, an toàn và đồng hành cùng giá trị con người.

Khát vọng không nằm ở việc tạo ra một bản sao GPT để so sánh, mà là từng bước xây dựng năng lực thông qua các ứng dụng thiết thực cho Việt Nam. Một trợ lý ảo tiếng Việt trong dịch vụ công, hệ thống AI hỗ trợ giáo viên vùng sâu vùng xa, nền tảng chẩn đoán bệnh qua giọng nói, công cụ số hóa tiếng dân tộc thiểu số,… đó là những bài toán mang tính thực tiễn và ý nghĩa xã hội, từ đó hình thành thương hiệu AI Việt gắn với sứ mệnh và nhu cầu quốc gia.

Lối đi hẹp và những giới hạn hiện hữu

Bức tranh thị trường AI tại Việt Nam những năm gần đây có nhiều gam màu sáng. Theo Báo cáo “Chính sách về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam: Cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và kiểm soát rủi ro” của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), quy mô thị trường AI Việt Nam năm 2024 ước đạt 753,4 triệu đô la Mỹ, dự kiến tăng lên 3,4 tỷ đô la vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 28,63%. Những tên tuổi như Viettel, FPT, MobiFone, Vingroup đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và triển khai AI trong các ngành như ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, y tế, giáo dục. Nhiều công ty khởi nghiệp AI cũng đang nổi lên tại Việt Nam, với việc đứng thứ hai trong ASEAN về số lượng startup AI trong năm 2024, chỉ sau Singapore.

Thế nhưng, phía sau sự sôi động là những con số khiến người ta phải suy ngẫm. Chỉ 22% tổ chức tại Việt Nam được đánh giá là hoàn toàn sẵn sàng triển khai và tận dụng AI, giảm so với mức 27% của năm trước. Hơn 64% doanh nghiệp gia đình vẫn chưa bắt đầu tìm hiểu về AI. Số lượng doanh nghiệp đã triển khai AI chỉ chiếm vỏn vẹn 9%. Tỷ lệ này phản ánh một thực tế rằng quá trình tích hợp AI vào hoạt động doanh nghiệp vẫn còn chậm, thiếu chiều sâu và chưa có sự bứt phá rõ rệt.

Đầu tư cho AI cũng đang gặp thách thức. Tính đến hết quý III năm 2024, 765 startup AI tại Việt Nam chỉ huy động được tổng cộng 47,3 triệu đô la Mỹ, trung bình chưa đến 62.000 đô la cho mỗi công ty. Trong khi đó, Singapore cùng thời điểm đã đầu tư đến 8,4 tỷ đô la, chiếm 75% tổng vốn đầu tư AI của sáu nền kinh tế lớn ASEAN. Năm 2021, đầu tư AI tại Việt Nam đứng cuối bảng khu vực và dù đã tăng ba lần trong ba năm qua, vẫn không bắt kịp tốc độ tăng trưởng của các nước láng giềng.

Một phần nguyên nhân đến từ chính sự chậm trễ trong hoàn thiện thể chế, thiếu chính sách “cầu nối” để doanh nghiệp có thể thử nghiệm, triển khai và quan trọng nhất là sống sót trên thị trường. Các startup AI đang đối mặt với ba bài toán nan giải: Thị trường chưa trưởng thành, khó gọi vốn và thiếu không gian để thử nghiệm sản phẩm. Thiếu các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ quốc gia, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cũng làm chậm nhịp tiến hóa của hệ sinh thái AI nội địa.

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, hướng đi được các chuyên gia gợi ý là tập trung vào thị trường ngách, nơi mà AI có thể giải quyết những bài toán đặc thù, tận dụng lợi thế ngôn ngữ, văn hóa và nhân lực tại chỗ. Ví dụ như FPT từ năm 2015 đã triển khai các giải pháp AI tự động hóa nhà máy, phát triển phần mềm trợ lái thông minh. Một trường hợp khác là AI Hay, một startup mới nổi chọn cách tránh xa thị trường cạnh tranh như tiếng Anh, để tập trung vào ngôn ngữ Việt và các thị trường tương tự trong khu vực ASEAN. Chỉ riêng với tiếng Việt, AI Hay đã xử lý khoảng 10.000 câu hỏi mỗi tháng từ người dùng Việt Nam, đây là một minh chứng cho nhu cầu thực sự và dư địa phát triển rõ ràng.

Bài học từ các quốc gia như Anh với mô hình InnovateUK cho thấy, để AI phát triển, Nhà nước cần đóng vai trò thiết lập “sandbox”, không gian thử nghiệm sáng tạo, nơi doanh nghiệp nhỏ và lớn có thể cùng nhau thử nghiệm ý tưởng mà không lo rào cản pháp lý hay rủi ro thị trường. Đồng thời, các trung tâm đổi mới sáng tạo như NIC ở Việt Nam cần mạnh tay hơn trong trợ cấp nghiên cứu và phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nền tảng để AI trở thành một ngành kinh tế thực thụ chứ không chỉ là khẩu hiệu.

Bên cạnh luật cứng như Luật Công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng luật mềm, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đạo đức AI, tiêu chí quản trị trong doanh nghiệp... theo thông lệ quốc tế, để tạo môi trường vừa linh hoạt vừa an toàn cho phát triển AI. Đặc biệt, phải gắn AI với các giá trị con người và quyền con người ngay từ khâu thiết kế đến triển khai, tránh rơi vào tình trạng “phát triển trước, kiểm soát sau” như một số nước đang gặp phải.

Con đường phía trước còn dài và không dễ đi. Nhưng nếu Việt Nam kiên định với định hướng phát triển AI vì con người, xuất phát từ nhu cầu của người Việt, sử dụng nhân lực Việt và tạo ra giá trị cho xã hội Việt, thì giấc mơ về một thương hiệu AI Việt hoàn toàn có thể thành hiện thực. Đó không chỉ là giấc mơ công nghệ, mà là chiến lược bảo vệ chủ quyền số trong thế giới đang chuyển động không ngừng.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Phường Nghĩa Đô - Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn