3/27/2018 8:35:00 AM
.

Vấn đề bản quyền ảnh hưởng thế nào đến sinh viên nghệ thuật kỹ thuật số?


Ngày 15/2/2018, Google Images đã gỡ bỏ lựa chọn tải ảnh về để ngăn chặn những hành vi xâm phạm bản quyền. Đây không phải là vấn đề lớn đối với hầu hết người dùng, nhưng với những sinh viên đang theo ngành nghệ thuật kỹ thuật số, họ có thể mất đi một nguồn tài nguyên lớn.

Rất nhiều sinh viên theo học ngành nghệ thuật số luyện tập và mài sắc kĩ năng của mình thông qua việc chỉnh sửa những bức ảnh đã có sẵn. Nếu họ lấy một bức ảnh ngay trên trang ảnh gốc của tác giả, họ sẽ không bị dán mác vi phạm bản quyền. Nhưng hiện tại rất nhiều tác giả không cho phép chức năng copy ảnh trên trang gốc của họ.

 Tyler Grendel, sinh viên năm nhất ngành nghệ thuật và công nghệ giải trí, cho rằng có rất nhiều vấn đề khi sử dụng sản phẩm bản quyền. Nhưng ở những dự án nghiệp dư, thi thoảng vẫn cần đến những bức ảnh khó tìm thấy, dù chúng có bản quyền.

 “Có lúc tôi lấy một tấm ảnh về rừng cây trên mạng. Dù không chắc tác giả tấm hình có cho phép hay không, nhưng tôi cần tấm hình ngay lúc đó cho một dự án", sinh viên này cho biết.

 Grendel cũng nhận định rằng rất khó để cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình, vì không phải lúc nào cũng biết được rõ tác phẩm sẽ được sử dụng cho mục đích gì. Thêm nữa, luôn hiện hữu những nguy cơ khi đưa tác phẩm lên nền tảng công cộng như internet, vì rất dễ bị đạo nhái. Đây cũng là một trong những nỗi lo của Isaac Gonzalez, sinh viên năm 3 chuyên ngành nghệ thuật và công nghệ giải trí.

“Tôi luôn đắn đo chần chừ trước khi đưa tác phẩm của mình lên mạng vì lo sợ người khác sẽ trộm lấy rồi đạo nhái, nhưng rồi tôi cũng đành chấp nhận”.

Gonzalez đã bắt đầu đăng thêm nhiều tác phẩm lên mạng để phục vụ kế hoạch sự nghiệp của anh.

Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, nghệ sĩ có thể sử dụng tác phẩm của người khác miễn sao sử dụng đúng cách và ghi nguồn đầy đủ rõ ràng. Ông Neal Daugherty, giảng viên Đại học Công nghệ Thiết kế và Sáng tạo Texas, đồng tình với quan điểm họa sĩ nên được sử dụng tác phẩm người khác để bổ trợ, nhưng cho rằng những tác động tiêu cực nhiều khi lại gây vấn đề lớn. Ông đưa ví dụ về bức hình “Pepe chú ếch buồn rầu” bị lạm dụng thành một biểu tượng phân biệt chủng tộc của một tổ chức cực tả. Hệ quả là họa sĩ gốc của bức hình này phải xóa bỏ hoàn toàn tác phẩm của mình.

Theo ông Daugherty, “khi tác giả gốc bắt đầu bị gây hại về tên tuổi và kinh tế, việc đạo nhái sẽ trở thành một vấn đề lớn”.

 Ông cho rằng những tư liệu nguồn mở là lựa chọn tốt nhất hiện tại cho sinh viên vì dù số lượng có hạn nhưng đây là tư liệu miễn phí. Ông khuyến khích sinh viên sử dụng sản phần của người khác nhưng luôn nhắc nhở sinh viên ghi nguồn và cẩn thận bản quyền. Ông nói sẽ ủng hộ nếu có phương thức khác giúp được việc sử dụng sản phẩm người khác, nhưng hiện tại chỉ có cách trả tiền bản quyền.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn