11/20/2023 11:01:00 AM
.

Xây dựng nhãn hiệu giúp nâng cao giá trị nông sản bền vững


Để xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu bền vững, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và thực thi về bảo hộ nhãn hiệu.

Ngày 15/11, tại thành phố Cần Thơ, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước cho doanh nghiệp để hướng đến xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là không bắt buộc, nhưng cần thiết. Nhãn hiệu được xác lập quyền theo nguyên tắc “First to file – Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”. Theo đó, nhãn hiệu chỉ có thể được bảo hộ độc quyền thông qua việc đăng ký, trừ các nhãn hiệu nổi tiếng.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Ngô Hồng Phong cho biết, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá nên đã xảy ra tình trạng trùng nhãn hiệu hoặc lợi dụng các nhãn hiệu uy tín để thu lợi bất chính. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ bảo vệ doanh nghiệp mà còn mang đến rất nhiều lợi ích khác, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông, chào bán, xuất nhập khẩu hàng hoá…

Cũng theo ông Phong, một nhãn hiệu được bảo hộ có uy tín đối với người tiêu dùng có thể được sử dụng để huy động vốn từ các tổ chức tài chính ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, hiện nay, các nhãn hiệu của tất cả các loại hàng hóa đăng ký nội địa là khoảng 50.000 đơn/năm, nhưng chỉ có khoảng 300 đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ tại quốc tế. Các nhãn hiệu sản phẩm nông sản thì càng ít hơn và mới chỉ quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài trong thời gian gần đây.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 1.899 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông sản; trong đó, bao gồm 1.430 nhãn hiệu tập thể, 469 nhãn hiệu chứng nhận.

Những sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chủ yếu là những sản phẩm hoa quả, chè, cafe như: nhãn hiệu chứng nhận Quýt Lai Vung, Sen Tháp Mười, Xoài Sơn La, Cả phê Arabica Liangbang, Rau Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt, Hồng Đà Lạt...

Việt Nam cũng đã có 1.430 đơn được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chủ yếu là các nhãn hiệu có chứa địa danh như: khoai lang Đồng Thái (Ba Vì), Măng cụt Long Thành, Chuối Laba, Na Chi Lăng, Xoài Cát Hòa Lộc, Xoài Cao Lãnh…

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 471 nhãn hiệu bao gồm: 399 nhãn hiệu tập thể, 72 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 24,8% của cả nước.

Khu vực Tây Nguyên có 108 nhãn hiệu bao gồm: 38 nhãn hiệu tập thể, 70 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 5,7% của cả nước. Điều này cho thấy, số lượng đăng ký và chứng nhận nhãn hiệu nông sản, thủy sản vẫn còn thấp.

Tham gia buổi tập huấn, đại diện các doanh nghiệp đã được nghe nhiều kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp lớn trong cả nước, đặc biệt là việc lựa chọn công ty đối tác hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý, đó là những công ty có uy tín cao và chuyên nghiệp để họ có thể kịp thời tư vấn doanh nghiệp chỉnh sửa, cập nhật thông tin và đề xuất giải pháp khi hồ sơ gặp trục trặc, các đối tác cũng phải có năng ngoại ngữ để chủ động theo dõi tiến độ của các đơn tại các lãnh thổ khác.

Theo bà Đoàn Thiều Trang, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ), việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp: bảo đảm rằng khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của các công ty khác nhau; giúp cho các công ty tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ.

Đồng thời, tạo ra một công cụ tiếp thị và là cơ sở để tạo dựng uy tín và hình ảnh của một thương hiệu; tạo cơ hội để chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hoặc nhượng quyền thương mại nhãn hiệu; trở thành một bí mật kinh doanh có giá trị; khuyến khích các công ty đầu tư vào việc duy trì chất lượng sản phẩm. Qua đó, bảo đảm quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, việc xây dựng nhãn hiệu bao gồm: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa.

Nhãn hiệu sản phẩm đã từng bước khẳng định được vai trò, giá trị trong sản xuất, thương mại sản phẩm nông sản, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp và các chuyên gia cũng cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm đề xuất các giải pháp và chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát huy giá trị nhãn hiệu sản phẩm nông sản.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn