12/6/2023 9:19:00 AM
.

Việt Nam chỉ có 2 nông sản chủ lực được đăng ký bảo hộ: Vướng mắc ở đâu?


Mặc dù Việt Nam có nhiều nông sản chủ lực nhưng hiện nay mới chỉ có gạo và cà phê hoàn thành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nguyên nhân là do việc triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận gặp nhiều khó khăn vướng mắc về pháp lý và kinh phí.

Mới đây, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trường Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho biết, mặc dù nông sản Việt Nam có rất nhiều lợi thế, nhưng sức cạnh tranh vẫn ở mức thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định và chưa có nhiều thương hiệu vươn tầm quốc tế. Hàng năm, dù kim ngạch xuất khẩu nông sản đều đạt mức cao nhưng hiệu quả lại thấp do sức cạnh tranh kém.

Trong khi đó, bà Nguyễn Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nhân mạnh, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, theo bà, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam là một giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết, chiến lược, chương trình ở cấp quốc gia và chính sách, chương trình, đề án ở cấp Bộ, ngành. Dù được đề cập nhiều nhưng vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vẫn chung chung, chưa cụ thể phát triển như thế nào. Các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình, chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan.

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu. Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

Thậm chí, dù nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số nước, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng vì còn một số vướng mắc về cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. 

Theo đó, Quyết định số 1499/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 2/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý sử dụng bị Văn phòng Chính phủ cho là chứa thủ tục hành chính, không đúng với quy định pháp luật. Do vậy, không đủ điều kiện để thực thi cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo văn bản này.

Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành chuyển nhượng quyền sở hữu cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam quản lý sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, Hiệp hội phải sửa đổi điều lệ mới đủ điều kiện để tiếp nhận chuyển nhượng. Do vậy, phương án này đã không thực hiện được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice theo trình tự thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, cho đến tháng 11/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xây dựng xong Nghị định.

Đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn bởi 2 lý do. Thứ nhất, thiếu kinh phí đăng ký (Hiệp hội lương thực Việt Nam đề nghị không tiếp tục thực hiện được các nghĩa vụ liên quan đến những chi phí phát sinh của việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu Gạo Việt Nam theo như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao do khó khăn về kinh phí). Thứ hai, một số nước chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức Nhãn hiệu chứng nhận.

Đó là lý do cần xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc sử dụng và quản lý tên quốc gia (“Việt Nam” hoặc tương đương) để tạo điều kiện đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản quốc gia trong thời gian tới tại cả thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ đối với các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý…

Đại diện Cục Xúc tiến thuơng mại, Bộ Công Thương cũng cho rằng, không thể xây dựng thương hiệu cho tất cả các loại nông sản của Việt Nam do không phải nông sản nào cũng có tiềm năng, hoặc tiềm năng chỉ bó hẹp trong một vài địa phương, vùng miền. Để việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam đạt hiệu quả, trước tiên cần lựa chọn một số loại nông sản tiêu biểu, có thế mạnh vượt trội, có tiềm năng sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, cần có chính sách để nâng cao chất lượng và phải đảm bảo chất lượng trên diện rộng để tạo thành thương hiệu cho một ngành hàng.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn