4/19/2019 10:44:00 AM
.

Xây dựng, phát triển thương hiệu: Thời điểm ’vàng’


Việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới. Do vậy, doanh nghiệp (DN) cần tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức. 

Thời điểm thích hợp để đầu tư

Tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư "Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu" diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - khẳng định, tiềm năng đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững rất lớn. Đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đây là thời điểm thích hợp để khai thác cơ hội đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.

Lý giải điều này, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế, thông qua việc ký kết hiệp định đối tác kinh tế với các nước. Những hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho DN đầu tư tại Việt Nam, là cơ hội lớn để sản phẩm Việt Nam xuất hiện tại nhiều thị trường lớn hơn trên thế giới.

Thêm vào đó, với việc nhiều DN lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG…, cơ hội cho các DN đầu tư tại Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng cao. Chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung đang phấn đấu tăng số lượng DN cung ứng sản phẩm phụ trợ tại Việt Nam lên 500 DN vào năm 2020 đã mở ra cơ hội lớn cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Đối với các DN, việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới" - ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Khả năng liên kết yếu

Năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép đạt khoảng 9,067 tỷ USD, chiếm 50,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hiện, Việt Nam đã trở thành điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như điện thoại di động, máy tính bảng. Mặc dù vậy, các DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Ron Ashkin - Giám đốc Dự án liên kết USAID cho các DN vừa và nhỏ (LinkSME), DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 70% lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 (244 tỷ USD) và phần lớn DN FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. DN vừa và nhỏ hiện chiếm 98% DN tại Việt Nam nhưng chỉ có 21% số DN này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia 46%.

"Áp dụng kỹ thuật kém, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, nhân viên thiếu tay nghề, kết nối kém với nguồn tài chính là nguyên nhân khiến các DN Việt Nam khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" - ông Ron Ashkin khẳng định. Nội địa hóa thấp và sự ít tham gia của các DN vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu cản trở lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nội địa hóa tăng đến chuẩn quốc tế, Việt Nam mới có thể thu được đầy đủ các lợi ích của FDI hiện nay và xuất khẩu phát triển.

Nhanhieuviet (Theo “Báo Công Thương Điện Tử”)

.
.
.
.

                             

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 55/GP-TTĐT, cấp ngày 02/6/2015.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn