Việc công bố Nhãn hiệu tập thể “Chè Shan Tuyết Bằng Phúc” sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị, chất lượng sản phẩm chè của xã Bằng Phúc nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Nói đến chè shan tuyết người ta chỉ nghĩ đến những vùng chè cổ thụ danh tiếng như Lũng Phìn (Đồng Văn), Phìn Hồ (Hoàng Su Phì), Tham Vè, Bò Đướt, Thượng Sơn (Vị Xuyên)… của tỉnh Hà Giang; các huyện vùng cao của Lào Cai như Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát; Suối Giàng (Yên Bái) hay trên đỉnh núi Khau Mút của người Dao (xã Thổ Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) bốn mùa sương giăng, mây phủ chứ có ai ngờ tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn cũng có một vùng chè shan tuyết lâu đời của bà con người Tày ngon nổi tiếng thu hút khách hàng cả trong và ngoài nước nhiều năm qua.
Khác với các giống chè khác, búp chè shan tuyết to như búp đa có phủ một lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết; sau khi sao, búp chè không có hình móc câu mà to ngẫy như chiếc cúc áo nhỏ nhưng vẫn phủ một lớp tuyết trắng đục nên gọi là chè shan tuyết.
Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn khí hậu quanh năm mát mẻ là điệu kiện thuận lợi để giống chè shan tuyết ở đây phát triển. Bằng Phúc hiện còn trên 1.000 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi đang cho thu hoạch, trong đó có cây hơn 300 năm tuổi, cao hàng chục mét, tán rộng che kín vài chục mét vuông.
Xác định lấy cây chè shan tuyết làm cây đặc sản mũi nhọn trong SXNN của địa phương đồng thời giúp nâng cao danh tiếng, giá trị, chất lượng sản phẩm chè của xã Bằng Phúc nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc Việt Nam và huyện Chợ Đồn vừa tổ chức công bố Nhãn hiệu tập thể “Chè Shan Tuyết Bằng Phúc”.
Thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan Tuyết” tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tháng 11 năm 2017, UBND tỉnh đã đồng ý cho Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, Hội Nông dân xã Bằng Phúc cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn ở TƯ khoanh vùng địa lý phục vụ đăng ký Nhãn hiệu tập thể. Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - cơ quan chủ trì dự án đã thực hiện nhiều giải pháp KHKT để nâng chất lượng chè Shan Tuyết Bằng Phúc; cùng với đó, triển khai các bước hoàn thiện hồ sơ pháp lý đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, lựa chọn logo nhận diện Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè Shan Tuyết Bằng Phúc.
Như vậy, Bắc Kạn đã có 4 sản phẩm được chứng nhận Nhãn hiệu tập thể gồm Miến dong, Gạo Bao thai Chợ Đồn, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn và Chè Shan Tuyết Bằng Phúc.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)