6/20/2025 9:42:00 AM
.

Tòa án Trung Quốc từ chối bảo hộ bản quyền cho thiết kế AI thiếu sự can thiệp của con người


Vừa qua, Tòa án thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện vi phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh đối với các sản phẩm được thiết kế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng không có sự can thiệp đáng kể của con người.

Được biết, đây là phán quyết đầu tiên được đưa ra cho các vụ kiện liên quan tới bảo hộ bản quyền cho nội dung tạo ra bởi AI không có sự can thiệp lớn từ con người tại Trung Quốc. Do đó, kết quả vụ kiện có thể trở thành tiền đề giúp xử lý các vụ kiện có tính chất tương tự.

Theo hồ sơ vụ việc, vào ngày 19/3/2025, Tòa án thành phố Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện vi phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh mà nhà thiết kế Phùng Nhuận Quyên (Feng Runjuan) đệ trình đối với công ty sản xuất Kuashi Plastic, nhà phân phối DongShan Culture, cá nhân Aisha Zhu và một số bị đơn khác liên quan đến mẫu ghế trẻ em có tựa lưng hình con bướm.

Phùng đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Tô Châu để phản đối phán quyết sơ thẩm, nhưng tòa cho rằng việc bà không nộp lệ phí kháng cáo đồng nghĩa với việc rút đơn, khiến phán quyết sơ thẩm trở nên có hiệu lực cuối cùng.

Bối cảnh vụ việc

Theo hồ sơ, bà Phùng đã viện dẫn ba hình ảnh do AI tạo ra (Hình 1), mà bà khẳng định đã tạo bằng nền tảng Midjourney thông qua câu lệnh:“Children’s chair with jelly texture, shape of cute pink butterfly, glass texture, light background”(tạm dịch: "Ghế trẻ em với chất liệu như thạch, hình dạng con bướm hồng dễ thương, chất liệu thủy tinh, nền sáng").

Bà chia sẻ câu lệnh và các hình ảnh kết quả lên RedNote – một ứng dụng mạng xã hội tại Trung Quốc – vào ngày 15/8/2023.

Năm ngày sau, Aisha Zhu – đại diện cho các công ty bị đơn – đã liên hệ với bà Phùng để đề xuất thương mại hóa và sản xuất hàng loạt thiết kế này.

Sau khi đàm phán thất bại, Zhu đã sử dụng câu lệnh công khai của Phùng để tạo ra các thiết kế tương tự, thực hiện một số chỉnh sửa và bắt đầu sản xuất, bán ra thị trường loại ghế có thiết kế như các hình dưới đây vào tháng 1/2024.

Vào tháng 6/2024, bà Phùng đã kiện các bị đơn tại Tòa án Trương Gia Cảng, yêu cầu chấm dứt sản xuất, tiêu hủy hàng tồn kho và khuôn mẫu, đồng thời đòi bồi thường 200.000 nhân dân tệ.

Phán quyết của tòa

Trọng tâm của vụ tranh chấp là các hình ảnh do AI tạo ra có đủ điều kiện được coi là tác phẩm sáng tạo gốc để được bảo hộ bản quyền hay không.

Để hỗ trợ lập luận, Phùng đã cố gắng tái tạo lại các hình ảnh trong Hình 1 bằng các câu lệnh gần giống – nhưng không thành công. Bà thừa nhận rằng tính ngẫu nhiên và không thể dự đoán của AI khiến bà không thể tạo ra hình ảnh giống hệt ban đầu.

Tòa án nhận thấy rằng phiên bản tái tạo khác biệt rõ rệt so với bản gốc, từ đó kết luận rằng điều này chứng minh sự thiếu vắng biểu hiện mang tính sáng tạo cá nhân. Tòa đã đưa ra các tiêu chí để đánh giá khả năng được bảo hộ bản quyền của nội dung do AI tạo ra:

Người dùng phải cung cấp một quá trình sáng tạo có thể kiểm chứng, thể hiện:

  • Việc điều chỉnh, lựa chọn và tinh chỉnh hình ảnh gốc bằng cách thêm câu lệnh và thay đổi các tham số;

  • Lựa chọn mang tính cá nhân và mang đậm tính trí tuệ đối với các yếu tố thể hiện hình ảnh, như bố cục, tỷ lệ, phối cảnh, cách sắp xếp, màu sắc và đường nét.

Vì nguyên đơn không đáp ứng được các tiêu chí này, tòa kết luận rằng các hình ảnh ban đầu không đủ điều kiện để được coi là tác phẩm sáng tạo gốc và không được bảo hộ bản quyền.

Làm rõ ngưỡng bảo hộ đối với nội dung AI tạo ra

Đây là phán quyết đầu tiên của tòa án Trung Quốc công khai bác bỏ quyền tác giả đối với nội dung chủ yếu do AI tạo ra mà thiếu sự can thiệp đáng kể của con người. Phán quyết không phủ nhận hoàn toàn khả năng bảo hộ bản quyền của nội dung có AI tham gia, mà vạch ra ranh giới giữa nội dung do AI tạo ra hoàn toàn và nội dung có sự hỗ trợ của AI.

Tòa án sử dụng mức độ đóng góp của con người làm tiêu chí đánh giá tính nguyên gốc của nội dung. Nếu nội dung tự động tạo bởi AI, thì không được xem là “tác phẩm” theo luật bản quyền. Ngược lại, nội dung mà người dùng tạo ra với sự hỗ trợ của AI và có đóng góp sáng tạo, gốc, cá nhân vẫn có thể được bảo hộ.

Cách tiếp cận này phù hợp với phương pháp được nêu trong báo cáo năm 2025 của Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ mang tên “Copyright and Artificial Intelligence, Part 2: Copyrightability”, trong đó nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người trong việc xác định khả năng bảo hộ bản quyền đối với tác phẩm có AI tham gia.

Từ vụ việc này có thể thấy, luật bản quyền bảo vệ sáng tạo của con người, không bảo vệ đầu ra của máy móc. Con người phải là chủ thể chính trong quá trình sáng tạo – không thể để AI làm thay vai trò đó. 

Để đảm bảo nhận được các quyền bảo hộ, những người sử dụng AI nên lưu trữ và chứng minh được quy trình sáng tạo mà họ đã thực hiện, đặc biệt là các đóng góp cụ thể của họ vào sản phẩm cuối cùng. 

Tòa án cũng tái khẳng định nguyên tắc phân biệt giữa ý tưởng và cách thể hiện: câu lệnh (prompt) được coi là ý tưởng và không được bảo hộ bản quyền. Đây là một động thái tích cực nhằm khuyến khích sự cởi mở và hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo sử dụng AI.  

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)
.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn