4/24/2025 9:10:00 AM
.

Thương hiệu OCOP – từ tem nhãn đến niềm tin người dùng


Để vượt qua ranh giới của một món hàng “có tem, có nhãn”, thương hiệu OCOP cần nhiều hơn là tiêu chuẩn chất lượng thật và niềm tin thật từ người tiêu dùng.

Trong dòng chảy của hội nhập và phát triển, thương hiệu ngày càng trở thành yếu tố sống còn với sản phẩm nông nghiệp. Với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), không chỉ là câu chuyện nâng chất lượng, làm tem nhãn, mà sâu xa hơn là hành trình gây dựng niềm tin – thứ “tài sản mềm” nhưng vô cùng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

Khi niềm tin bắt đầu từ tem nhãn

Tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng tỉnh Gia Lai trong Hội chợ triển lãm thương mại vừa qua, những gói cà phê, hũ mật ong, hạt tiêu hay hộp hạt mắc ca được bày biện gọn gàng, nhãn mác chỉn chu, bắt mắt. Người tiêu dùng không khó để tìm thấy đầy đủ thông tin: từ nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, tiêu chuẩn sản xuất đến mã QR truy xuất nguồn gốc. Nhưng ít ai biết rằng, để có được một chiếc tem nhãn “nói chuyện” được với khách hàng, là cả một hành trình không đơn giản.

Anh Võ Thành Tuân - người đại diện Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (thôn Hòa Lộc, Xã Ia Phang, Huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), đơn vị có sản phẩm cốt gừng mật ong Agila 4 sao – chia sẻ: “Làm ra sản phẩm đã khó, nhưng để định vị được thương hiệu thì lại khó hơn nhiều. Lúc đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản là bán được hàng là được. Nhưng khi bắt tay vào OCOP, mới nhận ra: từ cái tên sản phẩm, logo, màu sắc tem nhãn, tất cả đều phải truyền tải được giá trị cốt lõi và bản sắc địa phương”.

Ông Phạm Thành Trung - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Bình Tây Nguyên (xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: Công ty có 3 sản phẩm cà phê mang thương hiệu LAGOME là cà phê hạt rang cao cấp, cà phê bột nguyên chất, cà phê bột cao cấp. Đây là bộ sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. Với những chứng nhận về chất lượng đã giúp đối tác tin tưởng hơn, từ đó thúc đẩy liên kết tiêu thụ. Hiện sản phẩm của Công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Trung cho biết: “Khi bắt đầu được hỗ trợ, được tập huấn và chuẩn hóa quy trình, sản phẩm đã được kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, đóng gói đẹp, tem mác đầy đủ. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty đã ký được hợp đồng với các chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh”.

Chính việc tham gia chương trình OCOP đã buộc nhiều đơn vị sản xuất “lột xác” tư duy, từ sản xuất kiểu truyền thống sang làm sản phẩm có chiến lược, có câu chuyện. Tem nhãn không còn đơn thuần là hình thức, mà là công cụ kết nối giữa người làm ra sản phẩm với người tiêu dùng. Đó cũng là cách các sản phẩm OCOP từng bước xây dựng và lan tỏa niềm tin.

Niềm tin được “đo” bằng chất lượng và câu chuyện

OCOP không chỉ là một danh hiệu, mà là hệ thống đánh giá, xếp hạng sản phẩm dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe: từ quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác đến hồ sơ minh chứng về truy xuất nguồn gốc. Điều đó giúp người tiêu dùng phần nào yên tâm hơn khi lựa chọn các sản phẩm được gắn sao OCOP.

Thế nhưng, trong thị trường ngày càng khắt khe và cạnh tranh, chất lượng thôi chưa đủ. Người tiêu dùng ngày nay cũng cần những câu chuyện, những giá trị văn hóa đằng sau mỗi sản phẩm. Một gói muối kiến vàng của người Jrai ở Krông Pa không chỉ là gia vị, mà là tinh hoa ẩm thực miền núi. Một chai cà phê của vùng đất Chư Sê không chỉ là nước uống, mà là kết tinh của đất đỏ bazan, khí hậu nắng gió và bàn tay cần mẫn của người nông dân.

Chị Lê Thị Hằng – một tiểu thương chuyên bán sản phẩm OCOP tại TP. Pleiku – chia sẻ: “Khách hỏi rất kỹ, nhất là khách du lịch. Họ thích những sản phẩm có câu chuyện, có nét độc đáo riêng chứ không phải kiểu công nghiệp đại trà. Mình phải nắm rõ quy trình làm, vùng nguyên liệu, ai làm ra thì họ mới tin”.

Câu chuyện cũng là điểm nhấn khiến sản phẩm OCOP không bị “hòa tan” giữa hàng trăm ngàn sản phẩm khác ngoài thị trường. Một số địa phương đã bắt đầu xây dựng chiến lược truyền thông bài bản cho sản phẩm OCOP, gắn với du lịch, trải nghiệm, từ đó tạo nên hệ sinh thái sản phẩm – văn hóa – con người.

Một thực tế không thể phủ nhận: nhiều sản phẩm OCOP sau khi được công nhận xong thì loay hoay tìm đầu ra, hoặc chỉ bán được ở quy mô nhỏ lẻ, chưa vươn tới thị trường rộng lớn. Cái thiếu ở đây không phải chất lượng, mà là chiến lược phát triển thương hiệu.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã ở Gia Lai đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này. Sản phẩm hạt mắc ca của Công ty TNHH MTV Mắc ca Gia Lai không chỉ bán ở các hội chợ mà đã có mặt trên sàn thương mại điện tử, có hệ thống nhận diện thương hiệu nhất quán từ bao bì, website đến mạng xã hội. Hay sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí và thương hiệu cà phê Đak Yang của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang đã và đang tới gần hơn với người tiêu dùng qua các hệ thống bán hàng trực tiếp lẫn online.

Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ phát triển thương hiệu OCOP. Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - cho biết: Gia Lai có các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, trái cây, hạt mắc ca, hạt điều, mật ong... qua chế biến sâu, dưới dạng sản phẩm hoàn thiện chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế và có tiềm năng xuất khẩu lớn. Cùng với L’amant Café đạt Thương hiệu quốc gia, Mật ong Phương Di đạt sản phẩm OCOP 5 sao, nhiều sản phẩm OCOP khác đạt tiêu chuẩn 3-4 sao có tiềm năng mở rộng thị trường.

“Trong bối cảnh cạnh tranh, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nó không chỉ tạo sự khác biệt mà còn tạo ra giá trị bền vững cho sản phẩm. Thương hiệu mạnh giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Một sản phẩm đạt 3-4 sao là khởi đầu tốt, nhưng giữ được niềm tin người tiêu dùng trong 3-4 năm, thậm chí lâu hơn mới là thách thức lớn hơn"- ông Binh nhấn mạnh.

Từ chiếc tem nhỏ trên bao bì đến chỗ đứng vững vàng trong lòng người tiêu dùng là một hành trình dài của sản phẩm OCOP. Một chiếc tem không chỉ là bảo chứng chất lượng, mà là lời cam kết, là tấm hộ chiếu để thương hiệu nông sản Việt vươn ra thị trường rộng lớn. Và đằng sau đó, là tâm huyết, là bản sắc, là cả niềm tin được gây dựng qua thời gian.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)

Tin trong ngày
Các tin khác
.
.
.
.

                   

TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - BỘ CÔNG THƯƠNG.

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 113/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.
Địa chỉ: 655 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Điện thoại: 04 3934 1911  -  Email: info@nhanhieuviet.gov.vn