
Từ thương hiệu dẫn đầu đến phòng xử án
“Bình Minh” không phải là cái tên xa lạ với người tiêu dùng Việt trong ngành vật liệu nhựa. Được thành lập từ đầu năm 1977, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đã xây dựng hệ thống nhãn hiệu “NHỰA BÌNH MINH”, “ỐNG NHỰA BÌNH MINH”, “BÌNH MINH”… và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Trải qua gần năm thập kỷ phát triển, đây không chỉ là một cái tên, mà là tài sản vô hình gắn với uy tín, chất lượng và thị phần.
Thế nhưng vào năm 2023, một công ty có tên tương tự – Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh Việt – xuất hiện trên thị trường. Không chỉ trùng ngành nghề, cùng phân khúc sản phẩm, doanh nghiệp này còn sử dụng dấu hiệu “BINH MINH VIET” trên bao bì, website, mạng xã hội – khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, nhất là khi cụm từ “BÌNH MINH” được in hoa nổi bật.
Sau nhiều lần yêu cầu chấm dứt hành vi không thành, Nhựa Bình Minh khởi kiện ra TAND TP.HCM. Trong đơn kiện, doanh nghiệp cho rằng hành vi này xâm phạm nghiêm trọng quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ – và có dấu hiệu lợi dụng uy tín của thương hiệu để trục lợi.
Giám định, xử phạt đều nói “có vi phạm”
Không phải chỉ là cảm nhận chủ quan của doanh nghiệp, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ – cơ quan chuyên môn của Bộ KH&CN – đã ban hành nhiều kết luận giám định, xác định dấu hiệu “NHỰA BÌNH MINH VIỆT” có yếu tố tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “BÌNH MINH” của nguyên đơn.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt hành chính, Thanh tra Bộ KH&CN đã có văn bản yêu cầu đổi tên doanh nghiệp. Tài liệu thị trường, vi bằng người tiêu dùng mua nhầm hàng, tài liệu nội bộ của bị đơn… đều cho thấy sự tồn tại khách quan của khả năng gây nhầm lẫn.
Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm ngày 12/7/2024, Hội đồng xét xử TAND TP. Hồ Chí Minh đã bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, cho rằng cụm từ “BÌNH MINH VIỆT” là danh từ riêng, có đủ sự khác biệt và “không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ”.
Một bước lùi trong kỹ thuật xét xử?
Đánh giá về bản án, theo ông Nguyễn Tài – Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng cho rằng Hội đồng xét xử đã không tuân thủ nguyên tắc đánh giá hành vi xâm phạm theo Luật Sở hữu trí tuệ.
“Pháp luật không yêu cầu hai nhãn hiệu phải giống hệt để bị coi là vi phạm. Chỉ cần có yếu tố tương tự đến mức gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại là đủ. Trong vụ này, các dấu hiệu như ‘BINH MINH VIET’ rõ ràng có khả năng tạo sự nhầm lẫn trong nhận thức của người tiêu dùng trung bình, đặc biệt trong bối cảnh hai công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực và một khu vực thị trường.”
Ông Tài cũng lưu ý rằng, tòa án đã không xem xét nghiêm túc các chứng cứ giám định – vốn là căn cứ chuyên môn độc lập được luật thừa nhận tại Điều 95 BLTTDS. Thay vào đó, việc “đối chất tại toà” lại được coi là nền tảng đánh giá – điều mà nhiều chuyên gia cho rằng là “lệch chuẩn” về kỹ thuật tố tụng và thiếu cơ sở khoa học pháp lý.
Chỉ thêm một từ “Việt” – có là đủ?
Trên Báo Thanh Niên ngày 19/01/2025, Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường - giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM – bình luận:
“Việc thêm từ ‘Việt’ vào cụm từ ‘Bình Minh’ không làm thay đổi bản chất nhầm lẫn, vì yếu tố ‘Bình Minh’ là phần nổi bật, mang tính nhận diện chính. Trong thực tiễn quốc tế cũng như tại Việt Nam, đã có nhiều vụ tranh chấp điển hình như VINCON – VINCOM, Asanzo – Asano, đều được xác định là có khả năng gây nhầm lẫn mặc dù chỉ khác một âm tiết.”
Vị chuyên gia cho rằng nếu không đánh giá đúng trọng tâm, hệ thống pháp luật sẽ bị lạm dụng bởi những chiêu “lách luật thương hiệu” tưởng như hợp pháp nhưng gây tổn hại lớn đến các thương hiệu thật sự.
Không chỉ là tranh chấp thương hiệu - mà là niềm tin vào pháp luật
Điều đáng nói, vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp cụ thể. Nó còn làm dấy lên lo ngại về khả năng bảo vệ tài sản vô hình – yếu tố ngày càng quan trọng trong môi trường đầu tư, cạnh tranh hiện đại.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, nếu các cơ quan xét xử không nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng “một bước lùi là mất trắng thương hiệu” – kể cả khi họ đã tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý để bảo hộ.
Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp có hành vi mượn danh, “ăn theo” tên tuổi sẽ được khuyến khích nếu pháp luật không đủ mạnh mẽ để ngăn chặn từ sớm.
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)