
Tại Hưng Yên, hiện có trên 850 ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên (Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, 2021). Để phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Hội Đông y tỉnh sử dụng trên 60% sản lượng dược liệu thu hái từ tự nhiên và trồng tại địa phương để phục vụ công tác điều trị, chữa bệnh bằng thuốc nam cho bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu cho biết, cây dược liệu trên địa bàn huyện Khoái Châu không chỉ được trồng xen canh ở diện tích cây ăn quả chưa khép tán mà còn mở rộng, hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.580 mẫu (tương đương với 559 ha) trồng dược liệu với sản lượng khoảng 11.423 tấn dược liệu; trong đó, có 12 xã có diện tích trồng cây dược liệu trên 50 mẫu như: Thuần Hưng (103 mẫu), Thành Công (75 mẫu), Đại Hưng (110 mẫu), Chí Tân (367 mẫu), Tứ Dân (73 mẫu), Dạ Trạch (58 mẫu), Bình Minh (100 mẫu), An Vĩ (95 mẫu), Ông Đình (92,8 mẫu), Tân Dân (158 mẫu), Hàm Tử (220 mẫu)... Việc hình thành các vùng dược liệu tập trung đã tạo điều kiện cho người dân trong trồng mở rộng các loại dược liệu quý, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu. Nhận thấy giá trị kinh tế từ dược liệu, nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng và học hỏi, tìm tòi để đưa các loài dược liệu phù hợp thổ nhưỡng về trồng ở diện tích trang trại của gia đình. Hàng năm, nhiều hộ gia đình thu hoạch hàng tấn địa liền, doanh thu đạt trên 150 triệu đồng.
Theo Hội Nông dân huyện Khoái Châu, tuy dược liệu ở Khoái Châu đã được nhiều người tiêu dùng biết đến nhưng hiện chưa có nhãn hiệu để nhận diện và bảo hộ. Chính vì vậy, việc nhận diện thương hiệu và bảo hộ thương hiệu dược liệu Khoái Châu sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh. Đồng thời, tạo niềm tin, uy tín của sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì vậy mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên và Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng và quản lý khoa học công nghệ trí tuệ Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân huyện Khoái Châu tổ chức Hội nghị công bố quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Khoái Châu - Hưng Yên”.
Theo thông tin từ hội nghị, ngày 17/3/2025, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành quyết định số 31884/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể số 533043 mang tên “Dược liệu Khoái Châu - Hưng Yên” cho chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân huyện Khoái Châu.
Để quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Khoái Châu - Hưng Yên”, Hội Nông dân huyện Khoái Châu đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Khoái Châu - Hưng Yên”; quy chế sử dụng logo, tem, nhãn chứa dấu hiệu nhãn hiệu tập thể; quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm...
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đề nghị địa phương và các hợp tác xã hướng dẫn nông dân sản xuất trực tiếp cần thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật canh tác các sản phẩm dược liệu; phải bảo vệ kiểm soát tốt từ ý thức của người sản xuất, theo dõi việc sử dụng nhãn mác, nhãn hiệu độc quyền; đồng thời, làm tốt công tác nhận diện thương hiệu, kết nối với các đơn vị uy tín trong tiêu thụ sản phẩm…
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)