
Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025 – “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của IP” – không chỉ là lời tôn vinh những nghệ sĩ đang viết nên nhịp sống bằng âm nhạc, mà còn là tiếng chuông nhắc nhở về sự cần thiết của một hệ sinh thái pháp lý bảo vệ sáng tạo tại Việt Nam, nơi âm nhạc vừa là tài sản văn hóa, vừa là nền kinh tế hàng tỷ đô.
Âm nhạc, trong hình dung lãng mạn của số đông, là những giai điệu thăng hoa, là cảm xúc không biên giới. Nhưng phía sau mỗi ca khúc được phát trên nền tảng số, mỗi nốt nhạc ngân vang tại sân khấu lớn, là câu chuyện pháp lý khắt khe về quyền sở hữu, quyền tác giả, quyền liên quan – những khái niệm mà nhiều năm trước còn xa lạ với phần lớn công chúng và thậm chí cả nghệ sĩ.
Việt Nam từng chứng kiến nhiều vụ lùm xùm bản quyền trong làng nhạc. Từ những tranh cãi quanh các ca khúc như “Gánh mẹ” – khi nhạc sĩ Quách Beem bị tố sử dụng thơ người khác mà không xin phép, đến ồn ào giữa nhạc sĩ Khắc Việt và một streamer vì sử dụng trái phép ca khúc trong livestream. Gần đây hơn là vụ tranh chấp bản quyền giữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và một công ty truyền thông về quyền khai thác các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng như “Nhật ký của mẹ” hay “Con heo đất”. Những vụ việc ấy không chỉ khiến người trong nghề ngán ngẩm, mà còn cho thấy thực trạng: hệ thống sở hữu trí tuệ trong âm nhạc đang thiếu một tiếng nói chung, thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ và thúc đẩy sự sáng tạo.
Sở hữu trí tuệ, về bản chất, không phải là “giấy chứng nhận” cho một bản nhạc, mà là công cụ pháp lý để khẳng định quyền của người sáng tạo – người đã chắt lọc cảm xúc và chất xám để sinh ra những giai điệu mang dấu ấn riêng. Ở các quốc gia phát triển, hệ thống bản quyền âm nhạc vận hành như một cỗ máy tinh vi và minh bạch. Tác giả có thể sống ổn, thậm chí giàu có nhờ tiền bản quyền thu từ các nền tảng phát trực tuyến, quán cà phê, nhà hàng, sân khấu. Ở Việt Nam, hệ thống ấy còn non trẻ và chắp vá. Việc một nhạc sĩ phải tự mình đi “xin” đơn vị tổ chức show tôn trọng bản quyền của chính ca khúc mình viết ra, vẫn là một nghịch lý nhức nhối.
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ, cùng với sự “xê dịch” liên tục của thị trường âm nhạc – từ sân khấu thực sang nền tảng số, từ album vật lý sang streaming – càng đòi hỏi chúng ta phải nâng cấp tư duy và công cụ pháp lý về sở hữu trí tuệ. Khi một ca khúc phát hành trên YouTube có thể thu hút hàng trăm triệu lượt xem, thì mỗi phút phát sóng đều là tài sản có giá trị. Nhưng nếu không có cơ chế kiểm soát bản quyền hiệu quả, thì tài sản ấy dễ dàng bị đánh cắp, bị xào nấu, bị xâm phạm mà người sáng tạo gần như bất lực.
Ẩn sâu dưới các bất cập phổ biến và nghịch lý nhức nhối nêu trên, đến lúc này, chúng ta bất giác nhận thấy những khuyết tật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả.
Vấn đề đầu tiên, có lẽ là ở triết lý lập pháp về quyền tác giả. Ở nước ta, câu chuyện về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả đối với một bản nhạc nói riêng bấy lâu nay thiên về một loại “giấy chứng nhận” cho bản nhạc đó. Có nghĩa là, tác giả sẽ phải nỗ lực thực hiện các thủ tục đăng ký để được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận, để có căn cứ pháp lý xác lập quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. Luật về quyền tác giả ở Việt Nam không có điều khoản nào công nhận tác giả có “quyền được công nhận là tác giả” với tư cách là quyền đương nhiên, quyền có tính chất tự nhiên. Đây là điểm thiếu hụt rất căn bản so với Công ước Berne mà Việt Nam đã tham gia, bởi chính nội dung “quyền được công nhận là tác giả” này là cơ sở quan trọng để xác định các hành vi “đạo” tác phẩm. Đạo tác phẩm, hiểu theo nghĩa thông thường là lấy tác phẩm người khác làm của mình, nói theo ngôn ngữ luật thì đạo là hành vi chiếm đoạt của người khác cái quyền được công nhận là tác phẩm ấy.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam về vấn đề tác phẩm cũng thể hiện những khiếm khuyết. Định nghĩa tác phẩm của luật Việt Nam, yếu tố tác giả cũng bị quên. Việt Nam định nghĩa tác phẩm chỉ đơn giả là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (Điều 4.7, Luật SHTT). Trong khi đó, công ước Berne mà Việt Nam cũng đã tham gia lại định nghĩa tác phẩm là “sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân”. Yếu tố “sáng tạo tinh thần” và “mang dấu ấn cá nhân” ấy là gắn liền với tác giả, là cơ sở để xác định tác giả của tác phẩm. Những nhà làm luật Việt Nam khi soạn quyền tác giả đã “quên” đi vấn đề rất cơ bản này (!).
Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển tốc độ nhanh như hiện nay, cách hiểu về tác giả cực kỳ quan trọng trong vấn đề giao dịch bản quyền. “Dấu ấn cá nhân” gắn liền với thể nhân, tức là con người - đây dự kiến sẽ là một nội dung không thể thiếu trong tương lai khi máy móc cũng tham gia làm ra nhiều tác phẩm, và chắc chắn con người sẽ rơi vào tranh cãi liệu máy móc có trở thành tác giả hay không.
Chúng ta cần thừa nhận một thực tế là, có việc chúng ta đang nôn nóng bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ở đó, hầu hết việc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin được thực hiện qua các mạng tương tác. Xu hướng của tố tụng dân sự tại toà án trên thế giới sẽ là ghi nhận theo hướng bất kỳ hoạt động nào trên mạng cũng đều liên quan đến quyền nhân bản tác phẩm. Trong khi đó, Việt Nam còn rất thiếu các nội dung luật ở lĩnh vực này.
Với những điểm vênh, thiếu hụt của luật quốc gia so với các chuẩn mực quốc tế, đặt ra nhiều lo ngại. Có thể hiện nay các tập đoàn đa quốc gia chưa lên tiếng về việc Việt Nam vi phạm bản quyền ở lĩnh vực số và nhân bản tác phẩm, nhưng đến một lúc nào đó, chắc chắn họ sẽ phải lên tiếng. Chúng ta cần có sự chuẩn bị để đón nhận và xử lý các vấn đề này.
Vì vậy, chủ đề “Cảm nhận nhịp điệu của IP” không chỉ dừng ở việc truyền cảm hứng. Đây là lúc các nhà làm luật, cơ quan quản lý, các hiệp hội nghề nghiệp và chính cộng đồng nghệ sĩ cần cùng hành động. Cần một hệ thống dữ liệu bản quyền minh bạch, cập nhật thời gian thực. Cần những chế tài đủ sức răn đe đối với hành vi đạo nhái, xâm phạm quyền tác giả. Cần khơi dậy tinh thần tôn trọng sở hữu trí tuệ từ trường học, từ mạng xã hội đến mỗi sân khấu ca nhạc.
Bởi âm nhạc không chỉ là nghệ thuật, mà còn là sản phẩm trí tuệ. Và quyền được bảo vệ, được tôn trọng, được thụ hưởng thành quả sáng tạo – chính là “nhịp điệu” sâu xa nhất mà chủ đề năm 2025 muốn nói tới.
Khi sở hữu trí tuệ được bảo vệ đúng nghĩa, những ca khúc sẽ không chỉ sống trong lòng khán giả, mà còn tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ sáng tạo kế tiếp. Đó là cách chúng ta gìn giữ, tiếp lửa và đưa nền âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới – không chỉ bằng giai điệu, mà bằng một nền tảng pháp lý vững chắc và văn hóa tôn trọng bản quyền từ gốc rễ.
Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm
Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ - Link gốc)