
Giá trị sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, trong nhiều năm qua, cây chè đã được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế ở tỉnh Phú Thọ.
Nhờ có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây chè, đến nay toàn tỉnh có tổng diện tích trồng chè lên tới 14,8 nghìn ha. Trong đó có 14,5 nghìn ha chè cho sản phẩm. Năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 123 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 178,4 nghìn tấn/năm...
Mặc dù diện tích cũng như năng suất, chất lượng chè Phú Thọ ngày càng được nâng lên, song giá trị đem lại từ cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; nhiều hộ trồng chè còn mang nặng tập quán sản xuất nhỏ lẻ; việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chỉ sản xuất bán thành phẩm hoặc dưới dạng thô... nên giá bán thấp.
Trong khi đó, nền kinh tế hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng khắt khe hơn, đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Vì vậy, để nâng tầm sản phẩm chè Phú Thọ, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như quan tâm quy hoạch, phát triển vùng sản xuất, tăng cường quảng bá thương hiệu. Đồng thời tạo hành lang khuyến khích, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ. Từ đó xây dựng sản phẩm, thương hiệu “Chè Phú Thọ” có uy tín trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển nhãn hiệu “Chè Phú Thọ”
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Khổng Danh Đạt, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, sau khi được Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ”, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3232 ngày 29/7/2021 về “Phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tích cực chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ”. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, sử dụng nhãn hiệu cũng được tăng cường.
“Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được hệ thống các văn bản, tài liệu liên quan đến quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như: Các quy trình kỹ thuật về lựa chọn, bình tuyển, bảo tồn giống, chăm sóc, thu hái chè; quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; bộ tiêu chuẩn chè Phú Thọ làm cơ sở cho việc chứng nhận; hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm; phương tiện, tài liệu quảng bá, tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ”, ông Khổng Danh Đạt cho hay.
Cũng theo ông Khổng Danh Đạt, Sở Khoa học và Công nghệ cũng triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ triển khai thực hiện dự án: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ; triển khai mô hình “Hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị, phát triển bền vững và quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè OCOP mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ”...Tính đến nay, đã có 15 hợp tác xã , đơn vị doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ”.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp này đã có 18 sản phẩm chè/trà xanh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Hiệu quả sản xuất chè ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Song song với những kết quả đạt được, hiện nay, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho biết, trên địa bàn tỉnh vẫn còn doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của đơn vị nói riêng và sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ nói chung.
“Các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè chưa chủ động trong công tác xúc tiến thương mại, nắm bắt các thông tin thị trường. Kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu số, quản trị thông tin trên sàn thương mại điện tử còn hạn chế...”, ông Khổng Danh Đạt trăn trở.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, để nhãn hiệu “Chè Phú Thọ” ngày càng được quảng bá sâu rộng, nâng cao giá trị sản phẩm chè, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân cần nâng cao nhận thức trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết lập các biện pháp để bảo vệ nhãn hiệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Như vậy, hàng hoá mang đặc trưng của của tỉnh mới có thể vươn ra thị trường không chỉ ở trong nước, mà còn ở thị trường xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nhanhieuviet (Theo Báo Công Thương - Link gốc)